Nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn với bảo vệ môi trường

Ngọc Quỳnh 04/12/2024 - 06:52

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang tập trung xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao... nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sạch, tạo không gian xanh. Tuy nhiên, để các mô hình này phát huy hiệu quả rất cần chính sách hỗ trợ nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư.

trong-hoa.jpg
Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đan Phượng cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Kinh nghiệm từ những mô hình mang lại hiệu quả cao

Hiện nhiều nông dân huyện Hoài Đức đã lựa chọn cây trồng, con giống phù hợp để phát triển nông nghiệp đô thị. Ông Nguyễn Hữu Hùng, ở xã An Thượng (huyện Hoài Đức) cho biết, với hơn 4ha đất nông nghiệp, gia đình ông tập trung trồng nho hạ đen, nho mẫu đơn Hàn Quốc theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trang trại của gia đình ông còn kết hợp trồng đu đủ, xây dựng vườn hoa, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm mô hình nông nghiệp sinh thái...

Thực tế, việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh sinh thái kết hợp hoạt động du lịch trải nghiệm đang được các huyện ven đô đẩy mạnh và mang lại hiệu quả cao. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho hay, Đan Phượng hiện có 520ha trồng lúa; còn lại hơn 1.300ha đất nông nghiệp được chuyển sang sản xuất hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu chất lượng cao. Giá trị canh tác ở các vùng rau màu, hoa, cây cảnh đạt từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

“Dù diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị thu hẹp nhưng nhờ phát triển nông nghiệp du lịch sinh thái vẫn tạo hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ngoài ra, các mô hình này còn góp phần giữ gìn cảnh quan, tạo sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường”, ông Thiều Văn Son nói.

Theo chuyên gia về nông nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý, Hà Nội có đặc điểm nổi bật của nền nông nghiệp đô thị với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm diện tích trồng lúa từ 165.593ha xuống còn 140.000ha; mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.900ha lên 38.000ha; tăng diện tích cây ăn quả từ 19.390ha lên 25.750ha; tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500ha đến 9.000ha; giữ ổn định diện tích chè 2.500ha... Hà Nội cũng đã tiến hành chuyển đổi hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, gồm: Lúa chất lượng cao hơn 15.600ha, rau an toàn gần 3.000ha, cây ăn quả gần 7.400ha... Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Hiện, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đang là hướng đi của Hà Nội. Sau một thời gian dài sản xuất theo số lượng, nông dân đã thay đổi tư duy, đổi mới phương thức sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm kết hợp không gian xanh, tạo thành xu thế nông nghiệp đô thị linh hoạt, mang lại hiệu quả cao...

Kết hợp hài hòa nông nghiệp đô thị

Để nông nghiệp đô thị tại Hà Nội phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Trương Văn Quảng, thành phố Hà Nội cần phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc; đồng thời ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống; chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hà Nội cũng cần tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao.

Lợi ích đã rõ song nông nghiệp đô thị vẫn bị ảnh hưởng bởi phương thức sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ lẻ khiến năng suất và chất lượng sản phẩm bị hạn chế. Ngoài ra, một bộ phận lao động cao tuổi, khó tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, chưa thông thạo kỹ năng tìm hiểu thông tin qua internet nên còn thụ động, chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng kinh nghiệm truyền thống...

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý, phát triển nông nghiệp đô thị Hà Nội cần dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất nhằm tạo cấu trúc cân bằng, hợp lý giữa các yếu tố trong hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sức cạnh tranh, vùng nông nghiệp đô thị, vùng đô thị phát triển hoa, cây cảnh, rau an toàn. Mặt khác, Hà Nội cũng cần rà soát quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất hợp lý, hài hòa; chuyển đổi những vùng đất năng suất, hiệu quả thấp sang các ngành nghề mang lại giá trị cao hơn; có kế hoạch sử dụng đất theo hướng tập trung, chuyên canh...

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, diện tích đất nông nghiệp đang dần thu hẹp do quá trình đô thị hóa, tăng trưởng nông nghiệp của thành phố Hà Nội vẫn chủ yếu dựa vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị trên đơn vị canh tác. Do đó, phát triển nông nghiệp đô thị sẽ giúp Hà Nội khai thác hiệu quả không gian trống trong thành phố, tận dụng nguồn lực tại chỗ - là cách để vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, vừa tạo ra môi trường sống bền vững hơn...

Có thể thấy, nông nghiệp đô thị Hà Nội không những có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô mà còn là hình mẫu cho phát triển nông nghiệp của cả nước. Vì vậy, đầu tư cho nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững trước bối cảnh đô thị hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là chiến lược phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội.