Văn hóa

Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt đánh thức làng nghề Trạch Xá

Nguyễn Mai 03/12/2024 - 15:52

Đàn ông Trạch Xá khéo may - Tay đo, tay thước suốt ngày chỉ kim. Quả thực, hiếm có làng quê nào như làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa - nơi hầu hết đàn ông trong làng đều làm nghề may áo.

Sinh ra trong gia đình nhiều đời phát triển nghề truyền thống, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt với đôi tay tài hoa, khéo léo đã thực hiện hàng nghìn bộ áo dài truyền thống. Ông cũng là người góp phần “đánh thức” làng nghề Trạch Xá phát triển mạnh mẽ.

nghe-nhan-lang-trach-xa.jpg
Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt và các sản phẩm áo dài ngũ thân của nam và nữ do ông thực hiện. Ảnh: Nguyễn Mai

Đàn ông Trạch Xá khéo may

Có lẽ, Trạch Xá là làng nghề duy nhất cả nước chuyên may áo dài và các lễ phục truyền thống của Việt Nam. Theo các cụ cao niên làng Trạch Xá, người có công đưa nghề về Trạch Xá là bà Nguyễn Thị Sen, thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng (khoảng thế kỷ thứ X). Bà Sen có tài cắt may áo dài. Khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, bà xin được xuất cung, cùng các con trở về làng Trạch Xá trồng dâu, nuôi tằm, truyền dạy cho người dân nghề may áo dài. Biết ơn công lao ấy, sau khi bà mất, dân làng đã tôn là Thánh sư, Tổ nghề may áo dài Trạch Xá.

Theo nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt, xưa kia không có máy may nên người thợ Trạch Xá khâu tay 100%. Cũng không có phương tiện giao thông, nên người làng thường đi bộ đến các làng quê khác để hành nghề. Hành trang đơn giản, chỉ với tay nải gồm cái kéo, cái thước, cái kim, sợi chỉ vài ba tấm vải đi đến từng nhà cắt theo yêu cầu. Sau này, nhiều người làng Trạch Xá đã mở được các cửa hiệu may trên các phố Lương Văn Can, Cầu Gỗ, chợ Mơ (Hà Nội); các cửa hàng trên đất Bắc Ninh, Bắc Giang... Người Trạch Xá mở cửa hiệu thường có tên đầu tiên là chữ Trạch.

ao-dai-trach-xa.jpeg
Tiếng thơm lan xa, thương hiệu áo dài làng Trạch Xá đã được nhiều người biết đến. Ảnh: Nguyễn Mai

Có lẽ do đặc thù công việc phải đi làm xa, nên các cụ làng Trạch Xá có tục truyền bí quyết nghề cho con trai, mà không truyền cho con gái. Đó cũng là điều làm nên nét độc đáo ở ngôi làng này: Đàn ông khéo tay hơn cả phụ nữ. “Từ truyền thống của quê hương, gia đình tôi cũng nhiều đời theo nghề may áo dài. Ông nội tôi từng tới vùng đất Kinh Bắc - nơi có nhiều lễ hội để may áo dài thuê. Còn bố tôi xưa làm Chủ nhiệm Hợp tác xã May Bắc Sơn ở 434 phố Bạch Mai. Bản thân tôi được ông, cha truyền nghề và làm nghề từ tấm bé đến nay đã ngoài 50 tuổi rồi”, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt nói.

Có thu nhập tốt, nhiều người sẽ theo nghề

Thoăn thoắt đôi tay khâu dọc tà áo dài, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt cho biết: Để có 1 chiếc áo dài đẹp, đòi hỏi nhiều yếu tố. Trước hết là khâu chọn vải tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Tiếp đến là công đoạn "nhìn người đo cách” quan sát kĩ dáng người và lấy số cho sao cho thật chuẩn để có thể làm ra chiếc áo dài tôn lên được vẻ đẹp của người mặc. Một công đoạn quan trọng khác là may áo, người Trạch Xá không “khâu tay ngang”, mà “khâu tay dọc” đường khâu rất nhanh, đều nhau tăm tắp. Đường khâu tiêu chuẩn, là: “Trong thì dán hồ, ngoài phô trứng rận”. Nghĩa là, sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ, mà phẳng lì như dán hồ, còn mặt ngoài vải, các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp như xếp trứng rận.

ao-tran-bong-trach-xa.jpeg
Ngoài áo dài, người Trạch Xá còn làm áo trần bông có thêm các họa tiết thêu tay tinh tế, gợi nhớ về phong cách thời trang của phụ nữ những năm tháng xưa. Ảnh Nguyễn Mai

Xưa kia, người Trạch Xá đi khắp nơi lập nghiệp, chỉ trở về mỗi năm vài lần dịp lễ tết, hội làng… Tuy vậy, những năm gần đây, khi làng nghề đã xây dựng được thương hiệu, nhiều người đã trở về địa phương phát triển nghề may áo dài. Năm 2011, nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt cùng một số người yêu nghề đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã May áo dài truyền thống Trạch Xá. “Những đơn hàng may áo dài được đưa về làng để gia công, hoàn thiện rồi chuyển tới các cửa hàng trên phố. Rồi tiếng thơm lan xa, nhiều người tìm về tận Trạch Xá để đặt may áo dài, nên những cửa hàng, cửa hiệu may áo dài xuất hiện ngày một nhiều trên đường làng. Làm may ở nhà rồi người làng Trạch Xá không phải tha hương, không phải tốn chi phí để thuê cửa hàng nên thuận lợi hơn”, ông Đạt nói.

Nghề có thu nhập tốt thì mới có nhiều hộ theo nghề, giữ nghề. Cả làng Trạch Xá có khoảng 500 hộ dân thì có khoảng 90% số hộ làm nghề. Gia đình nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt có 4 con trai hiện mỗi người con đều có 1 cửa hàng ở Hà Nội hoặc Ninh Bình. Sự khéo léo, tài hoa và những đóng góp cho nghề, năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã công nhận ông Nghiêm Văn Đạt là nghệ nhân của thành phố.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2024, làng nghề may áo dài Trạch Xá tất bật chuẩn bị cho Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự vinh danh đó là niềm tự hào để làng nghề tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và đánh thức làng nghề may áo dài Trạch Xá phát triển hơn nữa.