Cần sớm gỡ vướng trong liên kết đường bộ để phát triển Logistics cho Đông Nam Bộ
Bên lề diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 diễn ra ngày 2-12 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần sớm đồng bộ thực hiện một số dự án đường bộ để khai thác hơn nữa năng lực của cụm cảng container Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển vùng và cả nước.
Đường huyết mạch chưa thông
Quốc lộ 51 lâu nay là con đường huyết mạch nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong 21 cụm cảng container lớn nhất thế giới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với trung tâm công nghiệp Đông Nam Bộ tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cũng nhiều năm qua, con đường này quá tải trầm trọng, với lượng xe tải chở hàng chạy kín đường suốt ngày đêm, vượt 8 lần công suất thiết kế.
Nhưng quốc lộ 51 đang rất khó nâng cấp, cải tạo, bởi những khúc mắc giữa Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Công ty BVEC).
Tháng 11-2024 vừa qua, lần thứ 3 trong vòng 6 tháng, Bộ Tài chính lại trả lời Bộ GTVT rằng chưa có đủ cơ sở để xác lập quyền sở hữu toàn dân với tài sản nhận chuyển giao từ nhà đầu tư dự án (nâng cấp quốc lộ 51). Những vướng mắc cần Bộ GTVT giải quyết là: Thống nhất phí bảo toàn vốn chủ sở hữu; thời gian thu phí tạo lợi nhuận của dự án; công tác đàm phán chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Năm 2009, Bộ GTVT và Công ty BVEC ký hợp đồng BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 51, đoạn nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3-8-2012 đến 27-3-2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28-3-2029 đến 28-3-2033). Đến cuối tháng 2-2017, thời gian thu phí hoàn vốn dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.
Cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận xuống còn 9 tháng. Từ ngày 19-4-2023, Công ty BVEC đã bàn giao 72,7km trên quốc lộ 51 cho Cục Đường bộ Việt Nam, nhưng chưa bàn giao nhiều hạng mục liên quan. Vì vậy, chưa thể xác định tài sản này đang do ai quản lý.
Tháng 10 vừa qua, khi quốc lộ 51 xuống cấp trầm trọng, Cục Đường bộ phải ứng cả kinh phí bảo trì năm 2025 để tạm sửa chữa mặt đường một số đoạn. Anh Hà Quang Tiến, một tài xế container chuyên chạy trên quốc lộ 51 lo lắng: “Nhiều đoạn khác cũng đang xuống cấp. Nếu mặt đường hỏng, không rõ bên nào sẽ sửa đường?”.
Trong khi đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chạy song song và từng được kỳ vọng sớm giảm tải cho quốc lộ 51, nay mới chỉ được triển khai… một nửa. Tính đến hết tháng 11-2024, đoạn tuyến khoảng 19km qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bắt đầu trải nhựa mặt đường, còn đoạn hơn 34km qua tỉnh Đồng Nai có nhiều điểm chưa có mặt bằng thi công. Theo đại diện Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương nỗ lực thông xe đoạn tuyến qua tỉnh dịp 30-4-2025. Còn theo đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, tỉnh phấn đấu cơ bản giải phóng mặt bằng vào tháng 12-2024.
Cần những nỗ lực đồng bộ
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Quang Nhật, với các yếu tố thuận lợi như có cảng biển đón được tàu vận tải lớn nhất thế giới; còn nhiều dư địa phát triển hạ tầng kho bãi; được đầu tư nhiều cho giao thông vận tải; có nguồn nhân lực trẻ, có năng suất lao động cao gấp 2,8 lần bình quân chung cả nước... tỉnh hội đủ các điều kiện để trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước và khu vực. Nhưng nếu không có liên kết vùng, sẽ khó khai thác các tiềm năng này, phục vụ cho phát triển.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Logistis Việt Nam cần xác định 3 mục tiêu cụ thể để cùng cả nước phát triển. Cụ thể, giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15%; nâng quy mô logistics trong GDP từ 10% lên 15%, phấn đấu 20%; quy mô của ngành Logistics Việt Nam trong thế giới từ 0,4% thành 0,5%, phấn đấu 0,6%; tốc độ phát triển ngành Logistics từ 14-15% tăng lên 20%.
Phát biểu tại diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) với chủ đề “Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” ngày 2-12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra thời cơ mới, vận hội mới, phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Những năm gần đây, tỉnh được Trung ương quan tâm đầu tư nguồn lực, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đang được hoàn thiện. Cùng với việc phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế, phát triển bền vững.
Như vậy, khi có thêm những nỗ lực đồng bộ trong hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa các địa phương, ngành Logistics Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng sẽ phát huy hơn nữa những tiềm năng sẵn có, đóng góp cho phát triển chung của khu vực và cả nước.