Hiệu quả từ diễn tập thực hành tình huống thiên tai
Rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; thêm kỹ năng phát hiện, xử lý sự cố đê điều ngay từ giờ đầu... Đó là kết quả nổi bật trong các buổi diễn tập thực hành tình huống thiên tai do Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức thời gian vừa qua.
Diễn tập kỹ để rõ vai, thuộc bài
Ba Vì là một trong những huyện trọng điểm thiên tai của thành phố Hà Nội. Bởi có 2 dòng sông lớn chảy qua, hình thành 2 tuyến đê cấp I là hữu Đà dài 9,7km, hữu Hồng dài 26,58km đi qua địa phận 15 xã, thị trấn của huyện. Do xây dựng đã lâu, kỹ thuật thi công thủ công, không đồng chất về vật liệu, chênh lệch lớn về cao độ giữa mặt đê và chân đê... nên 2 tuyến đê này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Đặc biệt, huyện Ba Vì là nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn là sông Đà, sông Thao và sông Lô; lại nằm phía hạ lưu của hồ thủy điện Hòa Bình. Kết hợp tác động của biến đổi dòng chảy và điều tiết các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, huyện Ba Vì thường xuyên xuất hiện sự cố sạt lở bờ sông, nhất là địa phận các xã: Cổ Đô, Thái Hòa, Phong Vân, Sơn Đà, Minh Quang, Khánh Thượng... đe dọa an toàn đê điều.
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai giai đoạn 2021-2025 và Đề án “Nâng cao nhận thức của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” của thành phố Hà Nội, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội), Hạt Quản lý đê số 1 đã phối hợp với nhiều địa phương trên địa bàn diễn tập thực hành xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai. Gần đây nhất, hồi giữa tháng 11 vừa qua, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội), Hạt Quản lý đê số 1 đã phối hợp với UBND huyện Ba Vì và xã Phong Vân diễn tập thực hành xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai.
Tại buổi diễn tập, Ban tổ chức đặt ra tình huống, do mưa lớn diện rộng kéo dài trong nhiều ngày, kết hợp việc mở cửa xả lũ các hồ thủy điện Thác Bà, Tuyên Quang, Hòa Bình, mực nước sông Hồng dâng cao trên báo động lũ cấp III. Đặc biệt, đê hữu Hồng, đoạn xã Phong Vân xuất hiện một số vị trí thẩm lậu mái đê, sạt trượt mái đê phía trong đồng, tràn cục bộ qua mặt đê...
Trước tình huống trên, Thường trực Đảng ủy xã Phong Vân đã họp đánh giá tình hình, ra chủ trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bảo vệ đê, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Phong Vân họp khẩn đánh giá các tình huống thiên tai, công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, phân công nhiệm vụ và địa bàn cụ thể cho các thành viên triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyến đê, bảo đảm đời sống người dân… Lực lượng xung kích tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ đê điều, rà soát các khu vực nguy hiểm, sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn. Buổi diễn tập được đánh giá đáp ứng yêu cầu và mang đến nhiều trải nghiệm quý cho công tác xử lý tình huống thiên tai trên toàn thành phố.
Thêm kỹ năng phát hiện, xử lý sự cố đê điều
Trong diễn tập xử lý sự cố đê, các lực lượng chức năng cũng tính đến nhiều tình huống khác nhau. Một tình huống khác để bảo đảm an toàn hệ thống đê là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Phong Vân phối hợp với Hạt Quản lý đê số 1 tuần tra, kiểm tra mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê hữu Hồng. Các lực lượng đã phát hiện tại vị trí K3 700 - K3 730 đê hữu Hồng xuất hiện hiện tượng thẩm lậu mái đê; tại vị trí K3 800 - K3 820 xuất hiện cung sạt mái đê; tại vị trí K3 950 có khả năng lũ sông tràn qua mặt đê. Lực lượng canh gác đê đã đánh dấu vị trí, cấp báo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Phong Vân, Hạt Quản lý đê số 1 về diễn biến, mức độ của sự cố.
Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Phong Vân cùng Hạt Quản lý đê số 1 kiểm tra, báo cáo huyện Ba Vì diễn biến sự cố và đề nghị cho xử lý giờ đầu. Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng đã hoàn thành xử lý sự cố, bảo đảm an toàn về lực lượng, phương tiện và yêu cầu kỹ thuật, thời gian của cơ quan quản lý đê. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Phong Vân Nguyễn Ngọc Ánh nói: “Thông qua các buổi diễn tập, lực lượng xung kích của xã có thêm kinh nghiệm phân công lực lượng, kỹ năng phát hiện và kỹ thuật xử lý giờ đầu các sự cố, bảo đảm an toàn tuyến đê”.
Bà Đào Thị Thống, người dân thôn Vân Hội 1 (xã Phong Vân) cho biết, lần đầu tiên tham gia diễn tập đã hiểu rõ và tin tưởng hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. “Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành tổ chức nhiều buổi diễn tập để nhiều người dân trên địa bàn thôn, xã có thêm kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, bảo vệ hệ thống đê...”, bà Đào Thị Thống đề xuất.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị, thực hành xử lý các tình huống thiên tai của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Phong Vân. Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, Chi cục sẽ còn tổ chức nhiều buổi diễn tập tại nhiều địa bàn trên thành phố để tăng sự đoàn kết, thống nhất giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân trong xử lý các tình huống thiên tai và nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, bảo vệ đê điều.