Kinh tế

Tận dụng CPTPP để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng

Lam Giang 02/12/2024 - 16:02

Bên cạnh tăng trưởng xuất, nhập khẩu ấn tượng, việc thực thi CPTPP giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

2.12-toa-dam-cptpp.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Phương Lan

Nội dung trên được bàn luận tại tọa đàm “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 2-12.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, sau 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP tăng từ 77 tỷ USD năm 2019 lên 95,5 tỷ USD năm 2023. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch đạt hơn 76 tỷ USD và tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, hiệp định này đã thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long (Tập đoàn CNCTech) cho biết, nhờ liên kết với các doanh nghiệp của Nhật Bản và các tập đoàn đa quốc gia khác, CNCTech Thăng Long phát triển được nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nâng cao về chất lượng sản phẩm, có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các công ty nước ngoài.

“Khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi học hỏi, tự tìm con đường, phương pháp để đi ra thế giới bằng năng lực của mình”, ông Trung chia sẻ.

hanoimoi.-cptpp.jpg

CPTPP giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên đây là một trong số không nhiều doanh nghiệp tham gia tốt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI từ các nước CPTPP.

Đánh giá về mức độ gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam bà Nguyễn Thị Lan Phương cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam xuất thô sản phẩm, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài.

Doanh nghiệp muốn đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng tốt hơn nhưng thiếu vốn. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về quản trị để đáp ứng được các FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới.

Để gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, các diễn giả tham gia tọa đàm cho rằng, doanh nghiệp cần thay đổi, trước hết từ tư duy, sau đó là phương thức sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, sự thay đổi của doanh nghiệp phải từ cả hai chiều, doanh nghiệp cũng cần được sự dìu dắt của các doanh nghiệp FDI và hỗ trợ từ cơ quan chức năng.

“Các doanh nghiệp FDI đang hưởng lợi tại Việt Nam từ các hiệp định như CPTPP, do đó cần đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp Việt Nam, từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn, trở thành nhà cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI”, bà Phương nêu.