Người Việt bốn phương

Tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài

Quỳnh Dương 02/12/2024 - 15:06

Khóa tập huấn có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt từ 9 quốc gia trên thế giới.

Ngày 2-12, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - Bộ Ngoại giao phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, khai mạc khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN.

1(1).jpg
Khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Việt có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên NVNONN. Ảnh: Dương Tiêu

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông cho biết, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ dân tộc, thúc đẩy giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng NVNONN. Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, ra đời đến nay được 20 năm, vẫn luôn là kim chỉ nam cho công tác về NVNONN, trong đó có các hoạt động hỗ trợ cộng đồng gìn giữ văn hóa và tiếng Việt.

Bên cạnh những quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan trong nước, nhiều cộng đồng đã tổ chức và duy trì các lớp dạy tiếng Việt cho con em. Nhờ đó, ở một số nơi, với sự vận động tích cực của cơ quan đại diện Việt Nam cùng sự phối hợp hiệu quả của cộng đồng, chính quyền đã công nhận tiếng Việt như một ngôn ngữ giảng dạy trong nhà trường. Hiện, phong trào dạy và học tiếng Việt đã có những bước tiến tích cực, nhưng thách thức vẫn còn, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của cả trong và ngoài nước để công tác này ngày càng hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng ta, cũng như sự kỳ vọng của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Mạnh Đông mong muốn, mỗi học viên tham gia khóa tập huấn sẽ là những sứ giả đích thực cho công cuộc truyền bá tình yêu tiếng Việt đến với mỗi kiều bào, gia đình và cộng đồng nhỏ, gieo được tình yêu ngôn ngữ dân tộc cho thế hệ trẻ, để sự lan tỏa này trở thành sợi dây gắn kết dân tộc Việt Nam, tạo thành khối đoàn kết ở trong và ngoài nước.

Khóa tập huấn năm nay có sự tham gia của 40 giáo viên và tình nguyện viên dạy tiếng Việt từ 9 quốc gia trên thế giới. Các học viên sẽ tham dự các hoạt động chính gồm: Tập huấn trên lớp về phương pháp giảng dạy tiếng Việt do các giảng viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đứng lớp; tọa đàm “Chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài”; dự giờ tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội; tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội và các tỉnh lân cận…