Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn: Không có lợi cho kinh tế toàn cầu
Cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn - vốn chi phối năng lực công nghệ các quốc gia, tiếp tục nóng lên qua nhiều động thái mới.
Dư luận lo ngại, với diễn biến này có thể dẫn tới những tác động tiềm tàng đối với chuỗi cung ứng công nghệ và nền kinh tế thương mại toàn cầu.
Trong động thái mới nhất, Trung Quốc cảnh báo sẵn sàng triển khai “những hành động cần thiết” để bảo vệ doanh nghiệp nước này trong trường hợp Mỹ gia tăng các biện pháp kiểm soát bộ xử lý. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong nhấn mạnh, Trung Quốc "phản đối mạnh mẽ" việc Mỹ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát nhắm vào những công ty Trung Quốc. Phản ứng của Bắc Kinh được đưa ra ngay sau khi có thông tin Mỹ sẽ công bố các hạn chế xuất khẩu mới.
Theo Reuters, Phòng Thương mại Mỹ đã thông báo cho các thành viên về việc Nhà Trắng xem xét bổ sung tới 200 công ty chíp Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, đồng nghĩa cấm các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn Mỹ giao dịch với họ. Mở rộng hạn chế này được cho có liên quan đến quy định vận chuyển dụng cụ sản xuất chíp đến từ Trung Quốc. Trong số những cái tên lọt vào “tầm ngắm” có ChangXin Memory Technologies - công ty đang nỗ lực phát triển công nghệ chíp nhớ trí tuệ nhân tạo (AI); hai nhà máy chíp thuộc sở hữu của SMIC - tập đoàn bán dẫn lớn nhất Trung Quốc đang sản xuất linh kiện cho Huawei và hơn 100 công ty Trung Quốc.
Chưa hết, còn có thông tin về một làn sóng siết chặt khác, dự kiến được Washington thực hiện trong tháng 12-2024, với trọng tâm là hạn chế xuất khẩu các loại chíp nhớ băng thông cao (HBM), là loại linh kiện thiết yếu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Theo truyền thông xứ Cờ hoa, tác động của những hạn chế này đối với các nỗ lực phát triển của Trung Quốc có thể đặc biệt trầm trọng, bởi các bộ xử lý Kirin và Ascend AI của Huawei đang “mắc kẹt” ở quy trình sản xuất 7nm. Bản thân SMIC hiện không thể mua được những thiết bị đời mới từ ASML - công ty hàng đầu thế giới trong cung cấp máy móc sản xuất linh kiện bán dẫn.
Những động thái mới thể hiện sự leo thang trong cuộc xung đột công nghệ đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn bắt nguồn sau quyết định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu vào tháng 10-2023 của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Khi đó, Nhà Trắng nêu rõ, các biện pháp - chủ yếu hạn chế quyền truy cập vào các chíp AI tiên tiến từ Nvidia và các hệ thống in thạch bản từ ASML - nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ tiên tiến có thể tăng cường khả năng quân sự của nước này. Theo giới quan sát, các biện pháp kiểm soát gia tăng có thể làm gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng sản xuất chíp của Trung Quốc, đồng thời tác động đến các công ty đầu tư quan tâm tới ngành công nghiệp bán dẫn nhiều cơ hội phát triển của nước này, thậm chí là các nhà cung cấp có liên quan, như khí hiếm phục vụ chế tạo bán dẫn.
Tuy nhiên, cuộc chiến không có hồi kết giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn đang gây lo ngại về những bất ổn an ninh công nghiệp toàn cầu và làm tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Hiện nay, một phần không nhỏ doanh thu của các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đều đến từ Mỹ hoặc Trung Quốc. Hai thị trường chủ lực này xích mích đương nhiên sẽ dẫn tới suy giảm nguồn thu, ảnh hưởng tới năng lực tái đầu tư, làm chậm các bước tiến công nghệ, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thương mại quốc tế.
Bản thân “cuộc chiến” bán dẫn cũng đang khiến cả Mỹ và Trung Quốc đối mặt với những thách thức chưa từng có. Trung Quốc gần đây phải mở rộng sản xuất bán dẫn để tăng cường tính tự chủ. Hệ quả là, tỷ lệ tự cung tự cấp bán dẫn của Trung Quốc đang tăng nhanh, từ khoảng 14% năm 2014 lên 23% năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 27% vào năm 2027 - thời điểm thị trường bán dẫn nước này được dự báo chạm mốc giá trị gần 200 tỷ USD. Trong khi đó, việc mất đi năng lực sản xuất khổng lồ và những khách hàng truyền thống ở Trung Quốc cũng khiến các doanh nghiệp công nghệ Mỹ lao đao tìm kiếm đối tác mới.
Với hàng loạt rủi ro tiềm ẩn, có thể thấy xung đột lợi ích trong lĩnh vực bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sẽ không có lợi cho kinh tế thương mại toàn cầu. Vì thế, hai bên cần kiềm chế, tìm kiếm những thỏa hiệp mang tính bền vững để cân bằng lợi ích chung, qua đó tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực phát triển, chuyển đổi số của nhân loại.