Ba Vì chuyển mình nhờ sản phẩm OCOP
Với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, nỗ lực sáng tạo của các chủ thể, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang trở thành động lực, giúp Ba Vì chuyển mình, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương...
Ba Vì hiện có 186 sản phẩm OCOP từ 50 đơn vị được công nhận đạt 3-4 sao, trong đó có 97 sản phẩm 4 sao và 89 sản phẩm 3 sao. Nổi bật là sữa tươi, thịt gà đồi, rau sạch, mật ong, chè xanh và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Những nỗ lực này đang tạo dấu ấn đặc trưng cho địa phương, gia tăng giá trị nông sản...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, huyện tập trung xúc tiến thương mại và chuyển đổi số; tổ chức hội chợ, phiên chợ nông sản, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Hoạt động livestream bán hàng qua TikTok và mạng xã hội cũng được triển khai, giúp nông sản Ba Vì tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Huyện còn mời chuyên gia hỗ trợ các chủ thể OCOP cải thiện bao bì, mẫu mã, tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh, hướng dẫn kỹ năng livestream. Sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và hiện đại đã tạo cơ hội lớn cho sản phẩm OCOP của huyện, giúp tăng sản lượng tiêu thụ...
Cũng theo ông Nguyễn Giáp Đông, Ba Vì không chỉ dừng lại ở việc tăng lượng sản phẩm OCOP, mà còn tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên nền tảng số để thu hút khách hàng từ mọi miền Tổ quốc.
Chị Nguyễn Thị Thiết, chủ hộ kinh doanh chè xanh Tri Kỷ ở xã Yên Bài chia sẻ, việc tham gia OCOP giúp sản phẩm chè của gia đình chị tiếp cận thị trường tốt hơn. Hỗ trợ từ huyện về xúc tiến thương mại, đặc biệt là đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội mới... Còn theo Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì, trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, thường bị thương lái ép giá. Nhờ Chương trình OCOP, sản phẩm gà đồi của hợp tác xã được chứng nhận, xây dựng thương hiệu, giá trị sản phẩm tăng rõ rệt...
Để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, huyện Ba Vì đã thành lập Câu lạc bộ OCOP đầu tiên với 34 thành viên, gồm các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Giám đốc Công ty cổ phần sữa Con Bò Vàng Ba Vì, Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP Ba Vì Đào Công Trường cho biết, câu lạc bộ không chỉ là nơi kết nối thành viên, mà còn hỗ trợ giải quyết khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Câu lạc bộ đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất với nhà phân phối lớn để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Đặc biệt, hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo, tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm sẽ được triển khai nhiều hơn...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên, nhờ Chương trình OCOP, sản phẩm của huyện đứng vững trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Đây là hướng đi mới, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy du lịch nông thôn, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch trải nghiệm tại địa phương.
Với sự đồng hành của chính quyền, tham gia tích cực từ các chủ thể OCOP cùng những giải pháp sáng tạo, sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì ngày càng phát triển. Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lan tỏa mạnh thương hiệu nông sản Ba Vì...