Tại các xã Đại Thắng và Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên): Sớm đưa đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích
Nhằm tránh tình trạng đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, thời gian qua, UBND huyện Phú Xuyên đã xử lý xong 1.665/1.694 trường hợp vi phạm về đất đai trên địa bàn.
Đối với những vi phạm còn lại, chủ yếu nằm trên địa bàn hai xã Đại Thắng và Phúc Tiến, UBND huyện đang thiết lập hồ sơ, dự kiến trong quý I-2025 sẽ tiến hành xử lý dứt điểm để bảo đảm đất nông nghiệp được sử dụng đúng mục đích.
Còn 29 trường hợp vi phạm
Thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã xử lý xong 1.665 trường hợp vi phạm về đất đai tồn tại, kéo dài ở các xã: Tân Dân, Phượng Dực, Châu Can và Hồng Minh... Hiện còn 29 trường hợp, chủ yếu trên địa bàn hai xã Đại Thắng và Phúc Tiến vẫn chưa thể xử lý theo quy định do gặp khó khăn trong công tác xác minh nguồn gốc đất cũng như làm rõ thời điểm vi phạm. Hơn 5 tháng trước, ngày 16-7-2024, trong bài viết "Kinh nghiệm xử lý tồn tại về đất đai, trật tự xây dựng ở Phú Xuyên" trên Báo Hànộimới, cũng đã đề cập đến việc này nhưng đến nay, tình hình chuyển biến không như kỳ vọng của người dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Lê Quý Đôn, nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về đất đai trên địa bàn chủ yếu là do người dân thiếu mặt bằng sản xuất nên đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, biến đất nông nghiệp thành nhà xưởng, kho bãi. Đơn cử, như trường hợp của hộ các ông: Trần Văn Giới, Lương Văn Ngũ, Nguyễn Văn Thái tại xứ đồng đầm Trên, thôn Văn Hội. Cả 3 trường hợp vi phạm này đều xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp thuộc khu chuyển đổi mô hình VAC nằm liền kề với khu dân cư, diện tích vi phạm lên đến gần 700m2.
Tình trạng tự ý chiếm dụng, biến đất nông nghiệp thành xưởng sản xuất còn diễn ra trên xứ đồng Đìa, đầm Giữa và cửa Ao, thôn An Mỹ. Tại đây, vào thời điểm năm 2020-2022, hộ các ông: Lương Văn Vụ, Nguyễn Văn Tuynh, Vũ Văn Lộc và Trần Văn Thương… đã dựng nhà bằng khung sắt, mái tôn trên diện tích hàng trăm mét vuông để sản xuất cơ khí. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, từ tháng 9 đến tháng 11-2023, xã Đại Thắng đã tiến hành vận động, tháo dỡ được 14 công trình. "Riêng 13 trường hợp, trong đó 12 trường hợp do cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Phú Xuyên đang thụ lý, sau khi có kết luận điều tra, chính quyền sẽ xử lý theo quy định", ông Lê Quý Đôn thông tin.
Ngoài các vi phạm nghiêm trọng trên địa bàn xã Đại Thắng thì hiện nay huyện Phú Xuyên vẫn còn tồn tại 16 trường hợp vi phạm đất đai dọc theo tỉnh lộ 428 và ven bờ sông Lương, đoạn qua địa bàn xã Phúc Tiến chưa bị xử lý. Trao đổi với người dân địa phương, phóng viên Báo Hànộimới được biết, do nhu cầu có mặt bằng để chăn nuôi, xây dựng nhà ở sau khi bị thu hồi đất, các hộ gia đình trên đã tự ý san lấp ao hồ, xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp.
Sẽ xử lý theo quy định
Ngày 26-11, có mặt ở huyện Phú Xuyên, phóng viên nhận thấy hầu hết các nhà xưởng, công trình chưa bị xử lý trên địa bàn hai xã nêu trên vẫn đang sản xuất, kinh doanh. Đối với 16 trường hợp vi phạm tại xã Phúc Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Vũ Văn Hữu cho biết, ngày 24-6-2024, chính quyền đã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân sau khi bị thu hồi đất. Tại buổi đối thoại, phần lớn các hộ dân không đưa ra được tài liệu, văn bản có giá trị pháp lý để chứng minh tài sản đang sử dụng là hợp pháp. Thế nên, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng mặt bằng, nếu hộ nào không chấp hành từ nay đến quý I-2025, UBND huyện sẽ thiết lập hồ sơ, xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, việc chậm xử lý là do hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề truyền thống. Trước sự phát triển của kinh tế thị trường, người dân có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nhưng công tác quy hoạch, xây dựng các cụm, điểm công nghiệp cho người dân vào sản xuất, kinh doanh tập trung còn chậm nên họ đã tự ý san lấp đất nông nghiệp, xây dựng trái phép công trình. Mặt khác, do công tác quản lý đất đai và ngăn chặn, xử lý vi phạm tại các địa phương còn hạn chế, thiếu quyết liệt nên chỉ đến khi có sự phản ánh của dư luận, chính quyền mới kiểm tra, xử lý. Để xảy ra vi phạm tràn lan là do chính quyền địa phương thời gian qua đã buông lỏng công tác quản lý. "Để hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp biến thành công trình, nhà xưởng, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền nơi có công trình vi phạm", ông Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định.
Như vậy, dù chính quyền các cấp của Phú Xuyên cũng đã có nhiều nỗ lực nhưng việc xử lý vi phạm về đất đai trên địa bàn huyện vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhằm tránh tình trạng đất nông nghiệp tiếp tục bị sử dụng sai mục đích, gây bức xúc dư luận, đề nghị UBND huyện Phú Xuyên và hai xã Đại Thắng và Phúc Tiến kiên quyết hơn trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.