Trao đổi kinh nghiệm tổ chức chương trình giáo dục di sản văn hóa
Chiều 29-11, diễn ra Tọa đàm “Di sản và đổi mới phương pháp giáo dục: Vai trò của bảo tàng và di tích từ góc nhìn quốc tế và Việt Nam”.
Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đại diện của các bảo tàng, di tích tại 24 tỉnh, thành trên toàn quốc đã trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức các hoạt động giáo dục di sản và xây dựng mạng lưới nghiên cứu, thực hành giáo dục di sản trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: “Tại Việt Nam, trong một thập kỷ vừa qua, các bảo tàng, di tích của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chương trình giáo dục di sản thu hút học sinh phổ thông. Những nỗ lực này góp phần không nhỏ vào việc kết nối di sản văn hóa với công chúng trẻ tuổi, qua đó, không chỉ nâng cao nhận thức về giá trị di sản mà còn bồi dưỡng tình yêu và lòng tự hào dân tộc thông qua sự hiểu biết sâu sắc về các giá trị lịch sử - văn hóa gắn liền với từng di sản”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ban đầu đạt được, công tác giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Việc đổi mới trong dạy và học của nhà trường, công tác phối hợp nhà trường để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục di sản...
Trong bối cảnh Luật Di sản Văn hóa sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, với việc hoạt động giáo dục di sản đã được luật hóa như một hoạt động cốt lõi của các thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích. Việc lĩnh hội và áp dụng những phương pháp của giới hoạt động chuyên môn quốc tế càng trở nên cấp thiết để có thể chủ động tổ chức các chương trình tại bảo tàng, di tích ở Việt Nam một cách khoa học, hiệu quả; vừa bảo đảm các mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ vừa bảo đảm được mục tiêu bảo vệ và phát huy di sản của đất nước.
Tại tọa đàm, Giáo sư David Anderson, Giám đốc Chương trình Giáo dục bảo tàng tại Đại học British Culumbia (Canada) đã chia sẻ về phương pháp xây dựng chương trình giáo dục di sản hiện đại được áp dụng ở các bảo tàng trên thế giới đi đầu trong lĩnh vực này.
Đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại buổi tọa đàm còn có đại diện của các bảo tàng, di tích tiêu biểu trên địa bàn cả nước như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Dinh Độc lập, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh...