Hóa giải những vướng mắc cho nông dân Thủ đô
Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và nông dân Thủ đô năm 2024, với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững” diễn ra ngày 29-11, thu hút sự tham gia của hơn 2.000 hội viên nông dân. Rất nhiều những băn khăn, vướng mắc, câu hỏi “sát sườn” liên quan đến phát triển nông nghiệp và nông dân Hà Nội đã được đặt ra và nhận được những giải đáp từ cơ quan cức năng của thành phố. Đối thoại mở ra giải pháp để nông nghiệp, nông dân Thủ đô khai thác tiềm năng và nội lực, bước vào kỷ nguyên mới.
Nông dân còn nhiều tâm tư
Phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thuyện Hoài Đức nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh cho biết, thành phố có Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND, ngày 11/4/2019 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, kinh phí hỗ trợ chưa tương xứng với giá trị thiệt hại. Bà Thanh đặt câu hỏi: “Chủ tịch UBND thành phố có thể điều chỉnh tăng mức hỗ trợ thiệt hại về cây trồng và bổ sung nội dung hỗ trợ thiệt hại đối với các loại cây cảnh, diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, sạt lở; diện tích nuôi trồng thủy sản; các mô hình nông nghiệp ứng dung công nghệ cao, như: Nhà kính, nhà lưới, nhà màng...”.
Cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp là câu hỏi được nhiều hội viên nông dân quan tâm. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức, huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Tuất, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực chính thức từ ngày 01/8/2024 và Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025; trong đó có đề cập đến các quy định về đất sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất. Ông Tuất đề nghị: “Thành phố cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn và lộ trình cụ thể giúp nông dân sản xuất nông nghiệp được xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là các khu vực ở vùng bãi ven sông”.
Cùng chung băn khoăn với ông Tuất, bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín cho biết, Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, quy định về đất được sử dụng kết hợp đa mục đích, không phải chuyển mục đích sử dụng đất khi xây nhà trên đất nông nghiệp. Đề nghị thành phố cho phép các hợp tác xã sản xuất rau an toàn công nghệ cao làm khu vực phụ trợ thiết yếu, như: Nhà sơ chế, khu bảo quản nông sản và vật tư sản xuất..
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì quan tâm tới vấn đề về chuyển đổi số cho nông nghiệp. Theo bà Phương, để hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững. Đề nghị thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, như: Xây dựng App nông dân, phần mềm quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, phầm mềm quản lý hội viên, hỗ trợ trang bị thiết bị ứng dụng chuyển đổi số; đào tạo, tập huấn về kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên nông dân…
Tháo gỡ vưỡng mắc
Trên tinh thần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân; tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhất để nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo các sở, ngành và người đứng đầu của thành phố.
Giải đáp băn khoăn của các nông dân về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và khôi phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đồng tình và cho rằng, nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu do vướng các quy định của trung ương. Hiện Luật Thủ đô, thành phố đã đưa vào rất nhiều các chính sách đặc thù để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp cao hơn so với quy định của trung ương. Đối với hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, ông Nguyễn Xuân Đại cho rằng, theo Quyết định số 07 về hỗ trợ của thành phố hiện đang thấp. Mới đây, thiệt hại do cơn bão số 3 rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Nhận thức được điều này, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thêm ngay sau bão. Trong đó thành phố đã có hỗ trợ thêm cho cây vụ đông với hơn 213 tỷ đồng. Nhờ vậy, diện tích cây vụ đông đã tăng hơn 4.000ha để giúp nông dân bù đắp thiệt hại. Sau đó, thành phố tiếp tục xây dựng phương án hỗ trợ một số vật nuôi đặc thù với kinh phí trước mắt là 46 tỷ đồng…
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Đại, Luật Đất đai 2024 đã cho phép xây dựng các công trình trên đất, song có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Hiện tại, thành phố đang giao Sở NN&PTNT xin ý kiến các sở, ngành trình thành phố để tháo gỡ, khai thác hiệu quả vùng đất bãi, xây dựng các công trình trên đất với những quy định rất cụ thể…
Hỗ trợ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi số, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, Sở đang phối hợp cùng Sở NN&PTNT để đưa sản phẩm nông sản, OCOP, làng nghề lên sàn thương mại điện tử. Sở cũng đã phối hợp với UBND huyện Đan Phượng hướng dẫn nông dân livestream để bán sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, giúp gia tăng doanh số bán hàng. “Phát triển công dân số, xã hội số, quan điểm của chúng tôi, tất cả các tiện ích của các sở, ngành liên quan đến công dân, nên tích hợp vào App Ihanoi để người dân thuận lợi”, ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn thông tin, với sự điều chỉnh của Luật Đất đai 2024, Hà Nội đã có những quy định rõ ràng về các chính sách cho thuê đất, giao đất, cũng như quy trình thủ tục liên quan. Các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp cần chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, qua đó xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động đầu tư và phát triển lâu dài. Chính sách đất đai của thành phố nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, như các lưu vực sông Đáy, sông Nhuệ. Thành phố đang thực hiện các biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm, tập trung vào các giải pháp cải thiện chất lượng nước và bảo vệ môi trường đất đai, không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, mà còn để bảo đảm sự phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp sạch.
Thông qua việc thực hiện đúng các chính sách về đất đai và môi trường, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm an toàn cho sản xuất nông nghiệp sạch trong tương lai.