Nỗ lực tôn vinh, quảng bá phở Hà Nội
Là món ăn truyền thống lâu đời, gắn với cuộc sống của người Tràng An, phở Hà Nội đã trở thành món ẩm thực hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Giờ đây, với việc phở Hà Nội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thành phố Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các hoạt động tôn vinh, quảng bá món ăn này, góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Chuyện phở Hà Nội
Việc hình thành món phở là sự sáng tạo của cộng đồng gắn với bối cảnh xã hội, lịch sử, văn hóa của Hà Nội đầu thế kỷ XX. Thuở ban đầu, phở là món ăn dân dã, được gánh đi rong khắp phố phường tại Hà Nội vào những năm 1907-1910.
Câu chuyện phở Hà Nội được hình thành theo từng gia đình có truyền thống lâu năm với nghề này. Chẳng hạn, liên quan đến thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ thì vào những năm 50 của thế kỷ XX, ông Bùi Chí Thìn khởi nghiệp với phở gánh đi bán rong quanh khu vực Bờ Hồ, Vườn hoa Con Cóc, sau đó bán cố định tại 61 phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm ngày nay. Hay thương hiệu Phở ông Đào tại 33 phố Hàng Giấy là do trước đây ông Vũ Văn Tâm khởi nghiệp bán phở gánh ở khu vực phố Nguyễn Thiện Thuật và Trần Nhật Duật vào những năm 50 của thế kỷ XX. Ông Cù Như Thấn bán những gánh phở rong đầu tiên sau đó truyền nghề lại cho 5 người con. Một trong số những người con ấy rất thành công tạo nên thương hiệu Phở Chiêu nổi tiếng ở phố Hàng Đồng... Sau này, những người bán phở gánh dần chuyển sang bán ở những địa điểm cố định là tại gia đình hoặc thuê cửa hàng.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, năm 2023, đơn vị đã khảo sát 18/30 quận, huyện, thị xã và thống kê được 700 quán phở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên. Những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, trong đó phải kể đến: Phở Thìn Bờ Hồ, phở Lý Quốc Sư, phở Bát Đàn, phở Thìn Lò Đúc, phở Tư Lùn, phở Ấu Triệu… Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, số lượng cửa hàng phở của Hà Nội ngày một tăng, tuy nhiên việc duy trì một cửa hàng phở trên 10 năm đang đứng trước những thách thức về việc trao truyền nghề cho thế hệ kế cận.
Đưa phở Hà Nội ra thế giới
Ngày 9-8-2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL đưa phở Hà Nội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nói về ý nghĩa của việc này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là sự công nhận những giá trị văn hóa và lịch sử của một món ăn, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa. “Ghi danh phở Hà Nội không chỉ là tôn vinh những giá trị truyền thống, mà còn là lời mời bạn bè quốc tế đến với Hà Nội - Việt Nam. Phở không chỉ là món ăn, mà còn là câu chuyện lịch sử về sự khéo léo và sáng tạo của người Việt”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Còn theo Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết, việc ghi danh phở Hà Nội còn có ý nghĩa nhắc nhở trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ những giá trị văn hóa lâu đời, thúc đẩy ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn các món ăn truyền thống.
Đến nay, phở không chỉ là một món ăn quen thuộc mà còn là thương hiệu ẩm thực của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Giới truyền thông quốc tế dành rất nhiều lời ngợi ca món phở. Điển hình là trang Lonely bình chọn Việt Nam là một trong những quốc gia có 7 món ăn được phục vụ trong bát mang tới trải nghiệm tốt nhất trên thế giới, trong đó nhấn mạnh món phở. Tạp chí Business Insider bình chọn phở là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời… Bên cạnh đó, rất nhiều nghệ sĩ quốc tế khi đến Hà Nội đã dành tình cảm đặc biệt cho món phở, điển hình như nhóm nhạc BlackPink (Hàn Quốc) có trải nghiệm ấn tượng với món phở khi có chuyến lưu diễn tại Hà Nội vào năm 2023; hàng loạt nghệ sĩ Hàn Quốc là Siwon (nhóm Super Junior), Bi Rain, Lee Kyung Kyu đã “phải lòng” món phở khi có chuyến biểu diễn tại Việt Nam.
Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, phở Hà Nội đã góp phần làm phong phú thêm phở của người Việt Nam. Để tiếp tục lan tỏa, quảng bá giá trị di sản phở Hà Nội, thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá phở tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024, diễn ra từ ngày 29-11 đến 1-12 tại Công viên Thống Nhất. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, ngoài việc quảng bá, giới thiệu những thương hiệu phở truyền thống Hà Nội, du khách tham gia lễ hội còn được trải nghiệm “phở số” với việc đưa robot vào phục vụ. “Thử nghiệm mới này giúp du khách có trải nghiệm sâu sắc hơn việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nâng cao chất lượng dịch vụ để đưa phở ra thế giới”, ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ.