Kinh tế

Bảo đảm quyền lợi người dân, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh vàngBài 2: Sửa quy định về kinh doanh vàng theo hướng nào?

Hương Thủy 24/11/2024 14:00

Đến nay, nhiều quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP không còn phù hợp, cần sửa đổi theo hướng tạo điều kiện liên thông thị trường vàng trong nước với thế giới.

Hoàn thành sứ mệnh và “nút thắt”

Còn nhớ, thời điểm năm 2012, vàng được coi như một phương tiện thanh toán, thị trường vàng diễn biến phức tạp, lộn xộn, nhiều sàn vàng tự phát mọc lên, người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tạo ra các cơn “sốt giá” gây bất ổn trong xã hội.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thường gây sức ép lên tỷ giá chính thức USD/VND, ảnh hưởng bất lợi đến thị trường ngoại tệ, dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tình trạng “vàng hóa” đã gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

z5773961011164_dbc53e854052f74a4de27d0d9aec20b5.jpg
Người dân giao dịch vàng tại cửa hàng Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Quang Thái.

Trước tình hình đó, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã ra đời, nhằm chống “vàng hóa” nền kinh tế.

Vàng miếng SJC được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trở thành đơn vị gia công vàng miếng SJC dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều biện pháp được thực hiện, như: Thông qua Ngân hàng Nhà nước, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chỉ Ngân hàng Nhà nước được phép sản xuất vàng miếng, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được quyền sản xuất vàng miếng.

Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán...

Tinh thần Nghị định số 24/2012/NĐ-CP là quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng miếng, khuyến khích sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thực hiện nghiêm túc Nghị định này, ngưng việc sản xuất vàng miếng, đồng thời chuyển sang sản xuất, kinh doanh vàng trang sức để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sau khi triển khai, thị trường vàng không còn tình trạng "làm giá", góp phần quan trọng ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô. Quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua bán vàng, là bước tiến quan trọng góp phần đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Có thể nói, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã có những thành công rất lớn trong việc giữ sự ổn định, an toàn của nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, việc độc quyền sản xuất và bán vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã dẫn đến việc cung ứng vàng miếng cho thị trường bị hạn chế. Từ năm 2014 đến quý I-2024, Ngân hàng Nhà nước không sản xuất và cũng không cung ứng ra thị trường vàng miếng SJC. Trong hơn 10 năm qua, doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Nhiều chuyên gia nhận định, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã hoàn thành sứ mệnh. Khi kinh tế vĩ mô, quan hệ tài chính, tiền tệ, tỷ giá ổn định, vàng không còn là phương tiện thanh toán, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không còn phù hợp và cần phải thay đổi.

Bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng

Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường đề xuất, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng không nhất thiết độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng.

Bên cạnh đó, nên để nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, bởi khi cung vàng được cạnh tranh bình đẳng, người dân tiếp cận vàng sẽ dễ hơn và cũng không còn tình trạng khan hiếm nữa. Thông thường, theo tâm lý, vàng càng khan hiếm, giá càng tăng và người dân đổ xô đi mua.

Còn chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phần lớn các ngân hàng trung ương trên thế giới không tham gia vào thị trường vàng, bao gồm cả việc sản xuất, mua hay phân phối vàng. Họ chỉ quản lý thị trường vàng nếu xem vàng như một loại tiền tệ.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp tham gia vào thị trường vàng qua việc nhập khẩu vàng và giao cho SJC sản xuất vàng miếng, cũng như hiện đang bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán cho dân.

Vì vậy, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nên được sửa theo hướng Ngân hàng Nhà nước rút lại vai trò nhập khẩu vàng, thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu, đồng thời kiểm soát việc mua vàng của doanh nghiệp bằng cấp hạn ngạch.

“Nếu có nhiều nguồn cung, không còn loại vàng miếng được bảo hộ, các thương hiệu vàng được cạnh tranh lành mạnh, người dân có nhiều loại vàng để chọn lựa thì giá vàng sẽ ổn định, không còn tình trạng khan hiếm”, vị chuyên gia này nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng, nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng; đồng thời để các doanh nghiệp có nhu cầu thực chủ động nhập khẩu vàng thông qua việc Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch.

Ông Trần Duy Phương cũng cho rằng, việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp vàng, đặc biệt là ưu đãi cho doanh nghiệp để xuất khẩu vàng trang sức sẽ có tác động tốt đến doanh nghiệp. Bởi khi được ưu đãi thuế, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn, hàng trong nước sẽ cạnh tranh tốt hơn. Chưa kể, khi xuất khẩu có thể tái tạo nguồn ngoại tệ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình việc có chính sách ưu đãi để xuất khẩu vàng, song cần thận trọng, tránh việc lạm dụng chính sách để trục lợi.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, làm rõ một số nội dung về quản lý thị trường vàng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó có nội dung liên quan đến xuất, nhập khẩu, kinh doanh vàng. Tinh thần là tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất và tạo điều kiện cho hàng trang sức xuất khẩu.

Về giải pháp sắp tới để quản lý chặt chẽ thị trường vàng, Chính phủ chỉ đạo việc mua bán đúng pháp luật, minh bạch; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các cửa hàng và doanh nghiệp; tiếp tục chống buôn lậu mạnh mẽ; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

(Còn nữa)