6 Tiến sĩ được trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật năm 2024
Nhân kỷ niệm 139 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật (29-11-1885), sáng 29-11, tại Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật kết hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm danh nhân và trao giải cho những luận án Tiến sĩ khoa học lịch sử xuất sắc trên cả nước.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường đánh giá lại những đóng góp của danh nhân Phạm Thận Duật đối với lịch sử nước nhà.
Danh nhân Phạm Thận Duật (1825-1885) là người xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Dưới triều đại vua Tự Đức, Phạm Thận Duật làm quan và giữ nhiều chức vụ. Năm 1885, Pháp đánh chiếm kinh thành Huế, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị và thảo chiếu Cần Vương kêu gọi các sĩ phu và nhân dân đứng lên chống Pháp. Ông bị Pháp bắt đưa đi tù ở Côn Đảo và hy sinh vào ngày 29-11-1885.
Trong 35 năm làm quan, vừa đảm trách công việc triều đình giao phó, ông cũng vừa sáng tác và hoàn thành nhiều tác phẩm thuộc các thể loại thơ văn, nhật ký, tấu tập và địa chí có nhiều giá trị như: “Hưng Hóa ký lược”, “Quan Thành văn tập”, “Vãng sứ Thiên Tân nhật ký”, “Quan Thành tấu tập”, “Hà đê tấu tập”, “Hà đê bộ văn tập”, “Hà đê tấu tư tập”, “Điều trần đê chính trị nghị tập”…
Là nhà sử học tài năng, ông từng giữ chức Phó tổng tài Quốc sử quán Triều Nguyễn, được đích thân vua Tự Đức giao trọng trách tổng duyệt bộ quốc sử “Khâm định Việt Sử” thông giám cương mục, bộ sử chính thức của triều đại nhà Nguyễn…
Từ năm 2000, với sự tài trợ của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, giải thưởng Sử học mang tên danh nhân này đã trở thành giải thưởng đầu tiên được trao trong lĩnh vực sử học ở Việt Nam. Đây cũng là giải thưởng chính thức và duy nhất của Hội hoa học Lịch sử Việt Nam, có phạm vi toàn quốc. Qua 23 mùa tổ chức, Giải thưởng đã tôn vinh, trao giải cho 125 tiến sĩ.
Theo nhà báo Trịnh Thị Liên, Phó Chủ tịch Quỹ giải thưởng Phạm Thận Duật, giải thưởng Phạm Thận Duật có ý nghĩa lớn trong việc cổ vũ, động viên các nhà sử học trên con đường nghiên cứu và cống hiến cho nền sử học Việt Nam. Nhiều tiến sĩ nhận giải thưởng Phạm Thận Duật phát huy tinh thần say mê trong nghiên cứu khoa học; có uy tín trong lĩnh vực giảng dạy; nhiều nghiên cứu đã được phát hành thành sách.
Năm nay, trong lễ tưởng niệm 139 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật, Lễ trao giải thưởng Phạm Thận Duật đã trao giải cho 6 luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất.
Theo đó, Luận án “Bưu chính ở Bắc Kỳ từ năm 1897 đến năm 1929" của Tiến sĩ Trương Thị Hải, Viện Sử học Việt Nam đã vinh dự nhận giải Nhất.
Hai giải Nhì được dành cho luận án “Binh chế triều Minh Mệnh” của Tiến sĩ Hoàng Lương, Viện Lịch sử quân sự và "Truyền đơn cách mạng ở Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945" của Tiến sĩ Trương Thị Phương, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Ba giải Ba thuộc về các luận án: "Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ từ năm 2001 đến năm 2015" của Tiến sĩ Phạm Thanh Tùng (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng); “Quá trình phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2020” của Tiến sĩ Bùi Thị Bích Thuận (Trường Đại học Công đoàn) và "Di tích đền miếu liên quan đến vương triều Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh)" của Tiến sĩ Kiều Đinh Sơn (Trường Đại học Hạ Long).