Giáo dục

Siết chỉ tiêu xét tuyển đại học sớm, thí sinh có giảm cơ hội?

Thống Nhất 28/11/2024 - 12:32

Dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cơ sở giáo dục đại học không được dành quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển sớm từ năm 2025 đang nhận được nhiều ý kiến.

Thí sinh nghe tư vấn xét tuyển đại học năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất
Từ năm 2025, thí sinh được xét tuyển bình đẳng giữa các phương thức. Ảnh: Thống Nhất

Mối lo lớn nhất của thí sinh là việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển sớm có làm giảm cơ hội trúng tuyển đại học hay không? Với các nhà trường, việc siết chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ cũng đặt ra mối lo về nguồn tuyển.

Vì sao cần siết?

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện có khoảng 20 phương thức xét tuyển đại học được các cơ sở đào tạo trên cả nước áp dụng, trong đó có phương thức xét tuyển sớm. Xét tuyển sớm là phương thức tuyển sinh độc lập, không phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phương thức này sử dụng những hình thức xét tuyển như: Xét học bạ trung học phổ thông, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển sinh đặc thù, các hình thức ưu tiên theo quy định riêng của từng trường.

Với thí sinh, phương thức xét tuyển sớm có ưu điểm là thêm cơ hội tham gia xét tuyển vào ngành, trường mình mong muốn bằng các phương thức khác (ngoài phương thức truyền thống là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông). Đây cũng là phương thức giúp không ít thí sinh giảm áp lực trong kỳ thi tốt nghiệp. Với các trường đại học, việc tổ chức xét tuyển sớm giúp thêm cơ hội tăng quy mô nguồn tuyển.

Tuy nhiên, phương thức này cũng khiến nhiều người nghi ngại về tính công bằng trong xét tuyển vào đại học, thậm chí có ý kiến cho rằng nên bỏ phương thức xét tuyển sớm. Em Trần Mai Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ, dù tự tin với kỳ thi tốt nghiệp, nhưng em rất lo lắng về việc các trường dành ít chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất cao. Từng có năm, điểm chuẩn một số ngành theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi cao ở mức gần tuyệt đối, khiến cơ hội trúng tuyển đại học của thí sinh tham gia xét tuyển theo phương thức này khó khăn hơn nhiều so với thí sinh tham gia xét tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm.

Phía các trường phổ thông cũng bày tỏ lo lắng về thực tế, từ khoảng tháng 3, nhiều trường đã tổ chức xét tuyển sớm, cũng là thời gian cao điểm của học kỳ II. Việc biết kết quả trúng tuyển sớm khiến học sinh chủ quan, chểnh mảng, không cần cố gắng nhiều cho kỳ thi tốt nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh trong lớp. Thậm chí, từng có học sinh mất cơ hội trúng tuyển sớm vào đại học do bị điểm liệt trong kỳ thi tốt nghiệp.

Thí sinh được xét tuyển công bằng giữa các phương thức

Trên một số diễn đàn, nhiều cha mẹ học sinh có con đang học lớp 12 cũng bày tỏ lo lắng, cho rằng phương thức xét tuyển sớm đã được nhiều trường áp dụng và dành khá nhiều chỉ tiêu, nếu từ năm 2025, phương thức này bị giảm chỉ tiêu, thì sẽ làm tăng điểm chuẩn trúng tuyển của phương thức này, gây khó khăn cho thí sinh và giảm cơ hội trúng tuyển đại học.

tiet-hoc-lop-12-ltk-thai.jpg
Tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái

Trước băn khoăn của thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, quy định giới hạn 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm được căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi. Vậy thì tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm? Tại sao học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, không yên tâm học tập, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.

Tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung. Cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên, chất lượng “đầu vào” của các trường cũng tăng theo. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh, tuyển được những thí sinh giỏi nhất; đồng thời, các thí sinh có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.

Giải tỏa mối lo về việc liệu siết chỉ tiêu của phương thức xét tuyển sớm có làm tăng điểm chuẩn trúng tuyển của phương thức này, gây khó khăn cho thí sinh hay không, bà Nguyễn Thu Thủy thông tin, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đã quy định cách thức quy đổi phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung, đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét tuyển vượt mức điểm tối đa. Các nhà trường phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, hạn chế việc lạm dụng, gây mất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện học tập khác nhau.