An toàn thực phẩm

Giám sát chặt chất lượng nông sản, thực phẩm

Quỳnh Dung 28/11/2024 - 07:04

Hiện nay, để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, các địa phương đẩy mạnh việc giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm và tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm. Qua đó kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

at-tp.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một siêu thị ở quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Bình

Còn nhiều khó khăn

Từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Thanh Trì đã kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại 187 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều chấp hành điều kiện về an toàn thực phẩm; các hộ sản xuất đã nhận thức tốt hơn về quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cơ sở cơ bản bảo đảm sạch sẽ. Các hộ kinh doanh đều có giá, kệ bày bán sản phẩm, sản phẩm có nhãn mác rõ ràng...

Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số cơ sở còn mắc lỗi như: Chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh cơ sở chưa bảo đảm; nguyên liệu chế biến thực phẩm không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ... Nguyên nhân một số cơ sở chưa đạt là do quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định; sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập…

Còn Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận cho biết, toàn quận có 4.164 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, thành phố quản lý 89 cơ sở (chiếm tỷ lệ 2,1%); quận quản lý 926 cơ sở (chiếm tỷ lệ 22,3%); phường quản lý 3.156 cơ sở (chiếm tỷ lệ 75,7%); 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 11 chợ có ban quản lý, có chợ đầu mối phân phối thực phẩm. Hiện nay, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn quận còn khó khăn do số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ, thường xuyên biến động. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả, kinh doanh tại các chợ, điểm bán lẻ, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ do cấp phường quản lý gặp nhiều khó khăn…

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), từ đầu năm 2024 đến nay, chi cục đã tiến hành kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bao gồm cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch, các điểm công cộng. Theo đó, chi cục ghi nhận có 83,7% các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, 16% cơ sở có vi phạm. Những cơ sở vi phạm đã được lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu khắc phục, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó có 84,5% số cơ sở đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; những trường hợp không đạt tiêu chuẩn được cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát từ gốc

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, huyện đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, Thanh Trì tiếp tục yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo mô hình điểm, đề án an toàn thực phẩm theo kế hoạch của thành phố; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, lực lượng chức năng của huyện tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể; xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện…

Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, huyện tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; nhân rộng các vùng sản xuất an toàn để kiểm soát chất lượng. Ngoài ra, huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản xếp loại C không bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không có sự thay đổi cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, huyện Sóc Sơn tăng cường giám sát, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng điều tra, xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn; huyện tăng cường đôn đốc, hướng dẫn triển khai các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó, tập trung vào công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.

Bên cạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, Hà Nội xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong dịp cuối năm, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm... Qua đó nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm, trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình. Các ngành chức năng trên địa bàn thành phố kiên quyết ngăn chặn việc lưu thông sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm trên thị trường; tuyệt đối không để sản phẩm mất an toàn lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm có biện pháp khắc phục mới được tiếp tục hoạt động; cung cấp thông tin về cơ sở đạt và không đạt an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn...