Kinh tế

CEAP tác động trực tiếp tới ngành hàng xuất khẩu chủ lực

Lam Giang 27/11/2024 - 18:06

Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, trong đó có các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

27.11-toa-dam.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: N.Lan

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27-11.

Kế hoạch CEAP là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, nhằm giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu, như biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, chất thải và ô nhiễm.

Với CEAP, EU đặt mục tiêu sớm chấm dứt mô hình kinh doanh công nghệ và thời trang với các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế "tạo rác".

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Hữu Hưng, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, CEAP với những quy định cụ thể cho từng nhóm hàng, đã có hiệu lực từ tháng 7-2024. Một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể ảnh hưởng bởi quy định này, gồm: Dệt may và giầy dép, các sản phẩm nhựa và bao bì...

“Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy đây là những quy định rất phức tạp, song phía EU hiện chưa có hướng dẫn cụ thể. Những sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn của CEAP có khả năng sẽ không được thông quan”, ông Hưng nêu.

27.11-may-hung-yen-2.jpg
Sản xuất hàng xuất khẩu ở Tổng công ty May Hưng Yên. Ảnh: K.Giang

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho biết, 13 nhà máy thuộc công ty đang hướng tới triển khai 100% điện áp mái; giảm và tái chế giẻ vụn thông qua áp dụng 100% máy cắt tự động; chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng bền, chắc và kéo dài tuổi thọ của sản phẩm nhằm đáp ứng tiêu chí xanh, tuần hoàn

Tại tọa đàm các diễn giả cũng có chung nhận định việc thực thi CEAP có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm khách hàng mới do thói quen ưu tiên lựa chọn những sản phẩm bền vững của người tiêu dùng EU. Về dài hạn, doanh nghiệp có thể giảm được chi phí nhờ đầu tư bài bản đáp ứng yêu cầu mới của EU, từ đó thu được hiệu suất kinh doanh tốt hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU nói chung và quy định CEAP nói riêng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với CEAP, Bộ Công Thương sẽ ban hành chính sách định hướng, văn bản hướng dẫn doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững; phổ biến thông tin, tập huấn cho doanh nghiệp về những quy định của thị trường châu Âu. Bộ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường .

Để tiếp sức cho doanh nghiệp còn có nhiều nguồn lực khác từ Nhà nước và các ngành, sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường.