Nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội: Nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm

Ngọc Quỳnh 27/11/2024 - 06:33

Thời gian qua, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững, Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt giá trị kinh tế cao, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập...

san-xuat-nam-ung-dung-cong-nghe-cao-tai-cong-ty-tnhh-xuat-nhap-khau-kinoko-thanh-cao-huyen-my-duc-.-anh-do-tam.jpg
Sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức).

Đạt hiệu quả kinh tế - xã hội khả quan

Là một trong những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi nhiều năm qua, Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh) đang cung cấp cho thị trường lượng lớn con giống gia cầm chất lượng tốt. Giám đốc Công ty Hoàng Mạnh Ngọc cho biết, với quy mô trang trại 5ha, công ty đang nuôi 20 vạn con gà, sử dụng 100 máy ấp trứng, tất cả đều được kiểm soát bằng công nghệ 4.0. Việc tự động hóa trong quy trình chăn nuôi giúp đàn gà phát triển tốt, giảm dịch bệnh. Mỗi tháng, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống.

Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ, để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, công ty đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng hệ thống sản xuất nấm hoàn chỉnh từ phòng cấy giống, phòng ươm, phòng đóng gói và thu hoạch trên tổng diện tích 3ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2; 100% máy móc, thiết bị, nắp, lọ nhựa, rổ nhựa, giấy cuốn cổ và giống nấm được nhập khẩu từ Nhật Bản. Hiện, sản phẩm của công ty có 95% nấm kim châm, còn lại là nấm hương, nấm linh chi, nấm bào ngư… Năng suất đạt 3 tấn/ngày, doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

Về trồng trọt, ứng dụng công nghệ cao áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất như nhà màng, nhà lưới; hệ thống tự động hóa trong điều khiển tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng…

Trong chăn nuôi, nhiều trang trại áp dụng hình thức chuồng kín, có hệ thống làm mát, ổn định nhiệt độ, độ ẩm; dây chuyền cho ăn uống tự động… Trong nuôi trồng thủy sản, có ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, sử dụng chế phẩm sinh học, máy tạo ôxy tự động, công nghệ biofloc...

“Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố tuy quy mô chưa lớn nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khá, phù hợp thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội khả quan”, bà Vũ Thị Hương cho biết thêm.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao

Thực tế, hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp khá rõ nét song vẫn chưa đồng bộ. Việc ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến như: Sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch bệnh trên cây trồng, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học chủ yếu ở vài khâu như tưới tiết kiệm theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới... Đối với khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến vẫn áp dụng công nghệ thủ công, công nghệ lạc hậu nên năng suất, chất lượng nông sản còn thấp; chi phí đầu tư ban đầu rất cao, quy mô nhỏ lẻ, trình độ của nông dân không đều, thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, Thường Tín tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội. Huyện cũng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về đất đai, nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng an toàn; hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục hợp tác với các địa phương để hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong đó, ưu tiên sử dụng công nghệ sinh học, chế phẩm vi sinh để kiểm soát môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi. Cùng với đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ sở để thành phố ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục mở các lớp tập huấn, phổ biến, chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi nhằm phát triển, nhân rộng mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao; công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện được áp dụng mô hình nông trại điện tử, tham gia hệ thống quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi để đưa sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao vào các kênh phân phối hiện đại...