Xã hội

Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp

Đình Hiệp 26/11/2024 - 18:53

Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp.

thao-luan-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 26-11. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, chiều 26-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024…

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum), cử tri rất đồng tình, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn được điều tra làm rõ, xét xử kịp thời, nghiêm minh. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên là vi phạm về quy hoạch xây dựng năng lượng, đấu thầu mua sắm tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai.

dinh-thanh.jpg
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, tội tham ô tài sản tăng 45,61%. Vấn đề này, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, cần phải làm rõ nguyên nhân, điều kiện tội phạm, kiểm tra, rà soát chặt chẽ để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý dự án đầu tư để giúp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn đối với loại tội phạm này trong thời gian tới.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, các quốc gia đều có hiện tượng tham nhũng và đều xây dựng và thực hiện cơ chế phòng, chống tham nhũng.

to-tam.jpg
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Quan điểm của Đảng ta rất rõ ràng, coi tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm và luôn kiên quyết, kiên trì lãnh đạo thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Báo cáo công tác của Chính phủ đã đánh giá đúng mức kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế; xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ của năm tới.

Theo đại biểu, người dân không chỉ đồng tình, ủng hộ mà người dân còn tham gia vào quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà công cụ quan trọng nhất là phản ánh và tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

dai-bieu-2.jpg
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 26-11. Ảnh: quochoi.vn

Vì thế, Chính phủ cần đánh giá thêm về vai trò của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để phát huy vai trò của người dân trong công tác này, cần đặt vấn đề nghiên cứu thí điểm các hình thức phản ánh, tố cáo tham nhũng qua điện thoại, đường dây nóng trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, tài sản tham nhũng được thu hồi có tiến bộ nhưng chưa đạt mong muốn. Nhiều tài sản thất thoát, khả năng thu hồi khó khăn.

hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Từ đó, đại biểu cho rằng, phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm toán khách quan, trung thực để phòng ngừa. Đề cập lãng phí có thể gây thất thoát không kém gì tham nhũng, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng quan tâm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lãng phí.

Trả lời làm rõ ý kiến của các đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo sự thông thoáng để khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển, khắc phục những sơ hở, bất cập, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

doan-hong-phong.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Về thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, năm 2024, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được các cấp, ngành tổ chức thực hiện và đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Phải công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó là thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế mà ý kiến thẩm tra đã chỉ ra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp...

“Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian tới”, ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.