Kinh tế

Bảo đảm quyền lợi người dân, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh vàng

Hương Thủy 24/11/2024 09:30

Thị trường vàng bất ổn khi nhu cầu mua vàng miếng, vàng trang sức hay nguyên liệu chế tác trang sức, mỹ nghệ rất lớn, song nguồn cung không được đáp ứng.

Bài 1: Doanh nghiệp khó khăn, quyền lợi người dân bị ảnh hưởng

Nguồn cung vàng hạn chế khiến doanh nghiệp kinh doanh vàng gặp khó khăn, phải sản xuất cầm chừng. Còn người tiêu dùng tìm đến "chợ đen" khi không mua được từ kênh chính thức.

Khó như… mua vàng

Người dân Việt Nam có thói quen tích trữ vàng. Thời gian qua, giá vàng thế giới tăng cao, lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường bất động sản thiếu ổn định, sản xuất, kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có rủi ro… Vì thế, nhu cầu về vàng gia tăng, đặc biệt là với người dân có tiền nhàn rỗi.

Còn nhớ, có thời điểm, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến không đồng nhất với giá vàng thế giới đã khiến chênh lệch giá giữa hai thị trường lên tới 20 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch đó, người tiêu dùng chịu thiệt thòi khi phải mua vàng với giá cao hơn giá trị thực.

Ngoài ra, chênh lệch giá lớn còn khiến gia tăng tình trạng nhập lậu vàng. Vì vậy, từ cuối tháng 4-2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng miếng với mục tiêu tăng cung cho thị trường, đưa giá vàng trong nước tiệm cận với giá thế giới, song hiệu quả không như mong muốn. Do đó, từ tháng 6-2024, cơ quan quản lý này tăng cung vàng miếng SJC cho thị trường qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

mua-vang-tai-agribank.jpg
Người dân đi mua vàng tại điểm bán vàng miếng của Agribank. Ảnh: CTV

Trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước đồng loạt thông báo hết vàng miếng SJC để bán, nhiều người dân tìm đến các điểm bán vàng bình ổn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC.

Tại các điểm bán vàng của 5 đơn vị trên, người dân xếp hàng dài chờ mua vàng. Có điểm bán ghi nhận từ 23h đêm hôm trước, cả trăm người dân có mặt để xếp hàng, không ít người mang theo chăn, gối ngủ qua đêm ở vỉa hè, mong sáng hôm sau tới lượt mua vàng, bởi số lượng vàng bán ra thị trường hằng ngày hạn chế, trong khi nhu cầu mua lại rất lớn. Không ít người phải cất công 3-4 lần xếp hàng mới có thể mua vàng thành công.

Nhằm tránh tạo ra sốt vàng tâm lý và tình trạng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC đã chuyển từ hình thức bán vàng trực tiếp sang bán online.

Tuy nhiên, việc mua vàng qua kênh trực tuyến cũng không hề dễ dàng, bởi số lượt đăng ký luôn trong tình trạng quá tải, hệ thống đăng ký mua online hết lượt đặt chỗ chỉ sau vài phút.

Không ít khách hàng gặp tình trạng không thể truy cập hoặc không hoàn thành giao dịch. Vì vậy, có người phải tìm đến thị trường chợ đen hoặc mua bán vàng trên mạng xã hội, bất chấp việc đối mặt với rủi ro.

Trên mạng xã hội, các hội, nhóm tận dụng cơ hội để săn suất mua vàng rồi bán lại cho người có nhu cầu với mức chênh lệch đến gần 1 triệu đồng/lượng khiến chi phí của người mua vàng tăng lên.

Chưa hết, mua vàng miếng SJC khó, nhiều người tìm đến vàng nhẫn tròn trơn khiến giá vàng nhẫn có thời điểm bằng hoặc cao hơn vàng miếng SJC. Đây là điều bất thường, bởi về nguyên tắc, giá vàng miếng cao hơn vàng nhẫn, được ưa chuộng hơn vàng nhẫn, vì vàng miếng có nhiều ưu điểm hơn, như là thương hiệu quốc gia, chất lượng uy tín hơn, không dễ làm giả, làm nhái.

Tuy nhiên, việc mua vàng nhẫn cũng không dễ, bởi doanh nghiệp bán cầm chừng, người dân chỉ được mua với số lượng hạn chế, mua nhiều thì cửa hàng phải hẹn lấy sau.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước cung vàng ra thị trường, khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế từ mức 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng, song tình trạng khan hiếm vẫn diễn ra. Diễn biến trên cho thấy, quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng

Trong hơn 10 năm qua, vàng miếng SJC trở thành vàng miếng duy nhất lưu thông trên thị trường và các doanh nghiệp cũng như một số ngân hàng thương mại chỉ được mua - bán vàng miếng theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Từ đó, doanh nghiệp mua vàng miếng từ nguồn khách hàng (người dân) và bán vàng miếng ra thị trường cũng từ nguồn vàng SJC thu mua từ khách hàng. Hầu như các doanh nghiệp không có nguồn vàng SJC dự trữ lớn do khả năng thu mua vàng miếng SJC trong dân có hạn.

Với vàng trang sức mỹ nghệ, theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, các doanh nghiệp cũng mua vàng trên thị trường làm nguyên liệu duy nhất cho nhu cầu chế tác.

Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu do không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc của nguồn vàng nguyên liệu thu mua. Vì vậy, doanh nghiệp có tâm lý lo ngại về rủi ro, kể cả về mặt pháp lý, từ đó, giảm nhu cầu thu mua hoặc thậm chí dừng việc thu mua vàng nguyên liệu sản xuất trang sức mỹ nghệ.

Khi doanh nghiệp giảm sản xuất, hệ lụy kéo theo là hàng hóa cung ứng cho thị trường giảm, sức cạnh tranh yếu, thu ngân sách giảm, hàng nhập khẩu có cơ hội tràn vào thị trường Việt Nam. Việc quản lý thị trường, chống buôn lậu càng phức tạp hơn… Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp không thể xuất khẩu để tái tạo nguồn ngoại tệ, mặc dù đây là thế mạnh của ngành vàng mà nhiều ngành khác không có được.

Hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất trang sức mỹ nghệ bằng vàng, đang phải xoay sở từng ngày vì thiếu nguồn nguyên liệu. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung cho biết, việc công ty dừng sản xuất 1-2 ngày là chuyện bình thường bởi thiếu nguyên liệu đầu vào.

Thực tế cho thấy, chính sách độc quyền sản xuất vàng miếng SJC và doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng cũng đang làm khó cho doanh nghiệp.

(Còn nữa)