Vì sao thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh vẫn có khả năng gây ngộ độc?
Ngày nay, tủ lạnh, tủ đông đã trở thành thiết bị gia dụng không thể thiếu trong mỗi căn bếp. Thậm chí, nhiều bà nội trợ coi chiếc tủ lạnh như “bảo bối” tích trữ nhiều thức ăn để tiết kiệm thời gian không phải đi chợ hằng ngày.
Tuy nhiên, không phải cứ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không lo bị ngộ độc.
Do công việc bận rộn nên chị Nguyễn Thu Thủy (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) có thói quen mua rất nhiều thực phẩm về chất đầy trong tủ lạnh để tiết kiệm thời gian đi chợ.
Chị Thuỷ kể: “Tủ lạnh nhà tôi luôn đầy ắp các loại thực phẩm có thể sử dụng trong cả tháng liền. Thế nhưng, một lần sau bữa cơm tối, các thành viên trong gia đình bị rối loạn tiêu hoá. Đi khám, bác sĩ cho biết, nguyên nhân có thể do thức ăn sống-chín để trong tủ lạnh bị lây nhiễm chéo vi khuẩn. Từ thời điểm đó, tôi cũng từ bỏ luôn thói quen tích trữ nhiều thực phẩm trong tủ lạnh”.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, nhiều người còn lầm tưởng tủ lạnh là nơi vi khuẩn không thể sinh sôi, phát triển. Tuy nhiên, nếu thức ăn cho vào tủ lạnh không đúng cách và bảo quản với thời gian không hợp lý vẫn có thể gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc khi sử dụng đồ ăn được lấy từ tủ lạnh.
Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, ngăn tủ lạnh nếu chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, kéo theo nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Thêm vào đó, tủ lạnh chỉ có thể kìm hãm khả năng hoạt động của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn. Thực phẩm nếu lưu trữ trong tủ lạnh quá lâu sẽ không tránh khỏi tính trạng hư hỏng và biến chất. Do đó, thời gian bảo quản thực phẩm an toàn là từ 3-5 ngày.
Chung quan điểm nêu trên, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, bất kỳ thực phẩm nào bảo quản trong tủ lạnh cũng sẽ để được lâu hơn rất nhiều so với để bên ngoài, nhưng không vì thế mà lạm dụng, bảo quản thời gian vô hạn. Bởi vì bất kể loại thực phẩm nào để trong tủ lạnh quá lâu, thành phần dinh dưỡng cũng bị biến đổi. Thậm chí, thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh không có dấu hiệu ôi thiu nhưng khi chế biến không thể thơm ngon, bảo đảm còn đủ các vitamin, chất dinh dưỡng như lúc tươi sống. Hơn nữa, nếu để thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu sẽ sinh độc tố, gây hại sức khỏe. Do đó, tốt nhất, mỗi gia đình cố gắng ăn hết sớm, không nên tích trữ và để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh.
Còn theo khuyến cáo của Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nên nhớ, nhiệt độ bảo quản lạnh chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh; nhiệt độ đông lạnh là -18 độ C có thể làm ngừng sự phát triển của vi khuẩn nhưng vi khuẩn vẫn không bị chết. Vì vậy, không nên để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh làm không khí trong tủ lạnh kém lưu thông dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh. Ngoài ra, nên gói thật kín các thực phẩm chuẩn bị bảo quản đông lạnh, nhất là bảo quản riêng thực phẩm chín và thực phẩm tươi sống, rau củ. Riêng đối với các sản phẩm từ sữa cần được bảo quản trong hộp kín, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm khác. Với một số loại thực phẩm bao gói sẵn, nhà sản xuất cũng cung cấp thông tin về nhiệt độ bảo quản trên nhãn mác sản phẩm. Do đó, người tiêu dùng có thể dựa trên những thông tin trên nhãn mác để cất trữ sản phẩm một cách phù hợp. Nếu thực phẩm nghi ngờ bị ôi thiu cần bỏ đi.
Ngoài việc tuân thủ các lưu ý về bảo quản thực phẩm, theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, trong tủ lạnh thường có hiện tượng đọng đá. Nước đá đọng lại mang vi khuẩn từ những thực phẩm này vô tình sẽ gây lây nhiễm chéo vi khuẩn cho các thực phẩm khác. Chính vì vậy, các bà nội trợ nên chú ý đến việc vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.