Luận đàm thời sự

COP29: Kết quả tích cực dẫu chưa đủ

Đại sứ Trần Đức Mậu 26/11/2024 07:27

Việc Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức ở thủ đô Baku của Azerbaijan kéo dài thêm 2 ngày đã giúp các quốc gia đạt được sự nhất trí về Tuyên bố chung, cũng có nghĩa tránh được kịch bản với kết cục tồi tệ nhất là kết thúc mà chẳng đạt được kết quả gì.

Nhưng chỉ riêng việc hội nghị này bị kéo dài và tới tận phút chót mới thông qua được bản Tuyên bố chung cũng đã đủ để cho thấy công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất mà các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiến hành từ lâu nay vẫn gian nan và trắc trở như thế nào. Cũng chính vì thế mà mọi bước tiến cho dù còn nhỏ và mọi kết quả cho dù chưa đủ mức cũng vẫn rất đáng được khích lệ.

Hội nghị COP29 năm nay đúng là như thế. Kết quả của hội nghị chỉ ở mức độ tối thiểu và sự nhất trí giữa các bên tham dự hội nghị cũng chỉ là tối thiểu. Không bên nào có thể hài lòng, nhưng tiến trình bảo vệ khí hậu trái đất mà Liên hợp quốc đang chủ trì tiến hành vẫn tiếp tục tiến triển, có chậm chạp nhưng vẫn kiên định theo định hướng đã được các thành viên Liên hợp quốc nhất trí đề ra.

Tại hội nghị này, các nước phát triển cam kết trong thời gian tới mỗi năm đóng góp 300 tỷ USD cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất. Mức độ đóng góp tài chính này tuy chưa bằng một phần ba con số mà các nhà khoa học cho rằng thế giới hằng năm phải đầu tư vào công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất, nhưng cũng đã lớn hơn gấp ba lần cam kết tài chính của các nước phát triển và các đối tác ở những hội nghị trước đấy. Kết quả này tuy tối thiểu nhưng vẫn còn đáng kể và có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc hội nghị chẳng đạt được kết quả nào.

Một kết quả tích cực khác nữa là ở Hội nghị COP29 năm nay đã bắt đầu định hình nhận thức về sự cần thiết phải mở rộng diện những quốc gia và đối tác có trách nhiệm đóng góp tài chính cho công cuộc bảo vệ khí hậu trên trái đất, cũng như đã đến lúc cần phải cụ thể hóa trách nhiệm đóng góp tài chính này cho từng bên.

Nhận thức này rất quan trọng bởi trên cơ sở ấy, những hội nghị tiếp theo mới có thể giải quyết được hai vấn đề rất khó khăn nhưng lại rất cấp thiết là cam kết đóng góp tài chính phải được thực hiện cụ thể và đầy đủ, cũng như các bên đóng góp tài chính cần phải được nhanh chóng mở rộng. Mỹ thuộc diện những quốc gia và vùng lãnh thổ "đóng góp" nhiều nhất vào biến đổi khí hậu trái đất và vì thế có trách nhiệm đóng góp tài chính nhiều nhất cho công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất.

Nhưng sau khi chính thức trở lại cầm quyền ở nước Mỹ, ông Donald Trump chắc chắn sẽ lại rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu và sẽ lại khuyến khích việc khai thác, sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch cũng như hạn chế sự tham gia và hợp tác của Mỹ trong công cuộc bảo vệ khí hậu của thế giới. Vì vậy, công cuộc này đòi hỏi các bên tham gia phải nỗ lực nhiều hơn, phải có nhiều bên đóng góp tài chính hơn và các bên phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Hội nghị COP29 lần này cũng cho thấy, khuôn khổ hội nghị như được tổ chức lâu nay đã tới giới hạn khả năng của nó và cần phải được cải tổ và đổi mới cả về cách tiếp cận giải pháp lẫn tổ chức. Chỉ như thế thì các hội nghị tiếp theo mới thực chất hơn và hiệu quả hơn, thoát được ra khỏi cái dớp kéo dài lê thê, gia hạn thời gian và luôn phải đến tận phút cuối mới tránh được nguy cơ thất bại.