Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024: Cơ hội giúp doanh nghiệp kết nối hàng hóa, mở rộng thị trường
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024 là điểm hẹn để người dân thưởng thức tinh hoa văn hóa ẩm thực cả nước.
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024, diễn ra tại quảng trường Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), mang đến một không gian trưng bày phong phú với 250 gian hàng từ 63 tỉnh, thành phố.
Phong phú các đặc sản nổi tiếng
Hội chợ năm nay mang đến sự đa dạng, phong phú với các đặc sản nổi tiếng như gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, cam Hàm Yên từ vùng Tây Bắc; cá kho làng Vũ Đại, rươi Tứ Kỳ từ Đồng bằng sông Hồng; yến sào Khánh Hòa, tỏi Lý Sơn, trầm hương Hương Khê của miền Trung; và những sản phẩm đậm chất Nam Bộ như cua Cà Mau, bánh pía Sóc Trăng, mật hoa dừa.
Xách trên tay túi trái cây vừa mua được tại hội chợ, chị Lê Minh Hương (trú tại ngõ 21 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân) cho hay: "Tại đây có đủ loại sản phẩm từ các địa phương, rất tiện lợi. Có những món tôi chưa từng thử, nay được trải nghiệm mà không cần rời Hà Nội. Mua tại đây tôi rất yên tâm về chất lượng sản phẩm mà giá cả phải chăng".
Bà Nguyễn Ngọc Mai (sống tại chung cư Hei Tower, phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân), hào hứng chia sẻ, đây là lần đầu tiên bà biết đến cam Khe Mây (Hà Tĩnh). Cam vỏ mỏng, mã đẹp, ăn ngọt thơm, giá cả hợp lý. Bà Mai rất yên tâm về chất lượng sản phẩm.
Không chỉ là nơi mua sắm, hội chợ còn tạo cơ hội để người dân Thủ đô khám phá những câu chuyện văn hóa đằng sau từng sản phẩm. Từ những gian hàng bày biện đẹp mắt, người dân không chỉ mang về các đặc sản yêu thích mà còn cảm nhận được hương vị, màu sắc đặc trưng của từng vùng miền.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA), Hội chợ Đặc sản vùng miền 2024 với quy mô 250 gian hàng, thu hút hơn 200 đơn vị đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng miền.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang cho biết, sản phẩm trưng bày tại hội chợ đều bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… “Hội chợ có khoảng 50% số lượng sản phẩm các tỉnh đăng ký trực tiếp là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên”, ông Bùi Duy Quang thông tin.
Cơ hội kết nối, quảng bá sản phẩm đặc sản
Tại buổi lễ khai mạc tối 21-11, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, hội chợ nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”. Cùng với đó, Hà Nội phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, tiêu biểu, có thế mạnh của các địa phương, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
“Sau 10 năm tổ chức thành công, từ những ngày đầu tiên với 150 gian hàng, đến nay đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, hàng hóa thu hút hàng nghìn lượt khách giao dịch tham quan, mua sắm”, ông Dương nhấn mạnh.
Trải qua một thập kỷ, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam không ngừng được đổi mới, nâng cao về chất lượng, công tác tổ chức hội chợ luôn được cập nhật những phương thức mới phù hợp với thời đại chuyển đổi số và sự phát triển của thương mại điện tử để trở thành ngày hội - sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và người tiêu dùng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước đón nhận.
Năm 2023, hội chợ đã đón trên 50.000 lượt khách, đạt gần 50 tỷ đồng doanh thu bán lẻ, rất nhiều giao dịch đã thành công giúp doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp sản phẩm lâu dài tại các hệ thống phân phối và các đối tác lớn, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đơn vị tham gia.
Trong khuôn khổ hội chợ năm nay, các hoạt động kết nối giao thương được diễn ra liên tục giữa doanh nghiệp với các nhà phân phối lớn (AEON, Lotte, Central Retail, các chuỗi cửa hàng sạch, các sàn thương mại điện tử Alibaba, Foodmap…) và nhiều hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, trình diễn sản phẩm được các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tham gia xây dựng, tạo thành ngày hội để du khách khám phá và trải nghiệm đặc sản, văn hóa, du lịch của các vùng miền trong cả nước.
Đặc biệt, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội còn hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm đến các tổ chức, doanh nghiệp, đại sứ quán, văn phòng đại diện thương mại của doanh nghiệp quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Không chỉ vậy, trong thời gian diễn ra hội chợ, HPA tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử…
“Với sự nỗ lực của thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam tiếp tục được khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam”, ông Nguyễn Ánh Dương kỳ vọng.