Chuyển đổi số ngành Công nghiệp và năng lượng: Nhiều thách thức với nhà quản lý và doanh nghiệp
Chuyển đổi số đang từng bước làm thay đổi ngành Công nghiệp và năng lượng theo hướng thông minh và hiệu quả hơn, song cũng đặt ra những thách thức lớn.
Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách; doanh nghiệp nâng cao nhận thức và có phương án chuyển đổi số phù hợp.
Tăng tỷ trọng lĩnh vực chế biến, chế tạo
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng cho biết, quá trình chuyển đổi số làm thay đổi diện mạo của ngành Công nghiệp. Chẳng hạn, trong cơ cấu ngành Công nghiệp, tỷ trọng của những ngành khai thác giảm dần và tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo tăng dần.
Một số mô hình nhà máy thông minh tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam là Nhà máy Lắp ráp ô tô Thaco-Mazda; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast; Nhà máy Sữa Vinamilk tại Bình Dương; Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông; Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội…
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp cho hay, ngành Dệt may đã ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, như nhà máy dệt may thông minh sử dụng thiết bị kỹ thuật số kết nối toàn bộ nhà máy qua IoT (internet vạn vật); dây chuyền sản xuất sơ mi 100% kết hợp người và máy móc... Hiện 35% nhà sản xuất dệt may sẵn sàng tích hợp công nghệ IoT; 42% sẵn sàng với điện toán đám mây; 18% sẵn sàng áp dụng chuỗi khối; 27% sẵn sàng sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu…
Ở lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi số được đẩy mạnh trong điều hành tại Công ty TNHH một thành viên Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia. Đó là hệ thống điều khiển từ xa và giám sát hệ thống điện; hệ thống tự động điều khiển phát điện hay hệ thống phần mềm quản lý mệnh lệnh điều độ điện tử… Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), năm 2023, Petrolimex đã triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng trên toàn bộ 2.700 cửa hàng xăng, dầu trên toàn quốc.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp công nghiệp còn thấp. Chuyển đổi số mới chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vốn đầu tư nước ngoài...
Chuyển đổi số từ nhận thức
Trong những năm qua, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng tại Việt Nam. Năm 2023, các tổ chức quốc tế ghi nhận Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa đạt 30 tỷ USD, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt gần 45 tỷ USD. Thống kê cho thấy, chuyển đổi số đã giúp gia tăng 8,6% giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 và doanh thu công nghiệp, công nghệ số ước đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 17,78% so với năm trước.
Đối với lĩnh vực công thương, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp - năng lượng và dịch vụ logistics. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nhà máy thông minh, Bộ Công Thương đã hợp tác với một số tập đoàn đa quốc gia, như Samsung, Toyota... nhằm đào tạo chuyên gia tư vấn, tập huấn, đào tạo các mô hình sản xuất, quản lý chất lượng hiện đại cho một số doanh nghiệp. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030 cũng đang được Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Để chuyển đổi số thành công, các chuyên gia cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải coi đổi mới là bắt buộc, là văn hóa, do đó, truyền thông, nâng cao nhận thức phải được ưu tiên. Mục tiêu cuối cùng, chuyển đổi số phải mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và thuận tiện cho khách hàng.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị, cần cải cách chế độ tiền lương nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp nêu, trước yêu cầu minh bạch hóa dữ liệu sản phẩm dệt may, ngành đang nghiên cứu giải pháp ứng dụng hộ chiếu số. Muốn vậy, doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, quản lý để tạo ra sản phẩm xanh, có thể truy vết toàn bộ vòng đời và giảm phát thải.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn:
Nhanh chóng đón đầu xu thế
Sau 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và 3 năm triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước dẫn dắt khu vực trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng trung bình gấp 3 lần Tổng sản phẩm trong nước. Ngành Công Thương có 3 lĩnh vực đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế số thời gian tới là thương mại điện tử, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo và logistics.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương đang thúc đẩy hệ sinh thái cung cấp đầy đủ dịch vụ, từ đưa hàng hóa lên mạng, thanh toán, kho vận đến logistics... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhanh chóng đón đầu xu hướng chuyển đổi số. Chúng tôi sẽ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp theo bộ tiêu chí cụ thể, đồng thời xây dựng hệ sinh thái các giải pháp phù hợp. Thông qua đánh giá mức độ chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ được kết nối với các giải pháp phù hợp.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm:
Đến năm 2025, EVN trở thành doanh nghiệp số
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số, EVN đã mạnh dạn chuyển đổi số toàn diện các hoạt động trong tập đoàn, trong đó 100% dịch vụ điện cấp độ 4 đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 99,54% các giao dịch sử dụng điện được thực hiện trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, toàn bộ quá trình sử dụng điện của khách hàng đã được số hóa và liên thông với nhau, từ yêu cầu sử dụng điện đến giải đáp khách hàng, phát hành hóa đơn, thanh toán hóa đơn...
Để có kết quả này, EVN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc rà soát quy trình nội bộ, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết. Theo đó, quy trình kinh doanh của EVN liên tục được cải tiến, thay đổi 4 lần kể từ năm 2002 đến nay. EVN cũng quy hoạch và từng bước chuyển đổi thiết bị công nghệ mới, như công tơ điện tử đo xa thay công tơ cơ hết hạn sử dụng; phát triển đồng bộ với sự phát triển chung của các nền tảng hạ tầng quốc gia và các cơ chế chính sách của Nhà nước.
Giám đốc tư vấn chuyển đổi số và dịch vụ chuyển đổi số bền vững - FPT Digital Nguyễn Tuấn Anh:
Ba bước chuyển đổi số
Chuyển đổi số, ứng dụng số giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng khả năng doanh thu, mở rộng cơ hội thị trường. Dù hạ tầng và nền tảng công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay tương đối đa dạng, với nhiều giải pháp có thể giúp doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động, song vẫn cần có các giải pháp phù hợp với chiến lược kinh doanh của từng lĩnh vực, doanh nghiệp. Ngoài ra, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ khi ứng dụng công nghệ thông tin. Trên thực tế có những doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin rất lớn nhưng nhân sự chưa sẵn sàng nên việc sử dụng không mang lại hiệu quả.
Để chuyển đổi số, doanh nghiệp phải trải qua 3 bước gồm: Thứ nhất là số hóa dữ liệu doanh nghiệp, tiếp theo là tối ưu hóa quy trình khi có dữ liệu số và cuối cùng là tiến tới chuyển đổi số toàn diện. Doanh nghiệp cần xem xét đang ở bước nào để có lộ trình thực hiện phù hợp nhất.
Hà Thư ghi