HĐND các cấp thành phố Hà Nội: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát
Thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND các cấp thành phố Hà Nội tiếp tục được đổi mới, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Các chương trình giám sát của HĐND được triển khai thiết thực, đi đến cùng vấn đề và được tuyên truyền rộng khắp, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử.
Xây dựng kế hoạch giám sát kỹ lưỡng
Thường trực HĐND các cấp thành phố Hà Nội đã xây dựng các đề án, kế hoạch, giải pháp để tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động giám sát theo hướng thực chất, khoa học, hiệu quả, bám sát các quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của thành phố. Trong đó, chú trọng đổi mới việc xây dựng chương trình, tổ chức đoàn giám sát và ban hành kết luận, theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận.
Đơn cử, ở HĐND thành phố, Thường trực, các Ban HĐND thành phố đều xây dựng kế hoạch giám sát kỹ lưỡng, lựa chọn địa bàn khảo sát thực tế, tránh trùng lặp. Ngoài yêu cầu đơn vị chịu sự giám sát báo cáo, cập nhật đầy đủ thông tin, Thường trực, các Ban HĐND thành phố còn yêu cầu các sở, ngành báo cáo, đối chiếu thông tin để khi làm việc thực tế sẽ trao đổi, làm rõ vấn đề, nội dung thông tin.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, tiếp tục cải tiến hoạt động giám sát, ngoài thành phần đoàn giám sát là đại biểu HĐND thành phố, còn mời lãnh đạo các sở, ngành, chuyên gia tham gia. Tại buổi làm việc trực tiếp, thay vì đơn vị chịu sự giám sát báo cáo dài, thì đoàn giám sát đã nêu tổng hợp những vấn đề trọng tâm, yêu cầu giải trình, làm rõ. Phương thức này được HĐND thành phố triển khai hiệu quả qua đợt giám sát về kết quả thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND thành phố Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê; việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý y, dược tư nhân từ năm 2021 đến nay Tại các địa phương, hoạt động giám sát cũng liên tục được đổi mới, đáp ứng thực tiễn, tiêu biểu như ở Hoài Đức, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ba Đình, Hoàn Kiếm…
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Khuất Thị Thu Tuấn, để hoạt động giám sát bảo đảm tính toàn diện nhưng phải trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, đúng luật, thì việc lựa chọn nội dung giám sát, thành viên đoàn giám sát, xây dựng đề cương báo cáo đến việc lựa chọn đối tượng, thời gian, hình thức giám sát… đều được cân nhắc, chuẩn bị kỹ. Kinh nghiệm của huyện là lựa chọn những vấn đề nổi cộm, ưu tiên các vấn đề cấp thiết. Trong 10 tháng năm 2024, HĐND huyện đã tổ chức 12 cuộc giám sát, khảo sát tại 80 lượt đơn vị, tập trung vào các vấn đề: Công tác đầu tư công, quyết toán dự án hoàn thành; nâng cao chất lượng giáo dục, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; quản lý đô thị và trật tự xây dựng, tình hình thiệt hại và công tác khắc phục thiệt hại sau thiên tai... Sau giám sát, HĐND huyện thực hiện nghiêm túc, đầy đủ việc thông báo kết quả, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát.
Theo dõi kết quả sau giám sát
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo thực hiện đổi mới trong công tác giám sát nhằm tăng cường, mở rộng hoạt động giám sát xuống cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường. Nổi bật là chỉ đạo việc đẩy mạnh phối hợp giữa các Ban HĐND thành phố, giữa hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố với giám sát của Thường trực HĐND thành phố; phối hợp giữa Tổ đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND quận, thị xã đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát, tới thôn, tổ dân phố, trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể. Kết quả nhiều cuộc giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để chất vấn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, qua đó xác định những giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế, vướng mắc.
Việc tổng hợp, theo dõi, tái giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát cũng được HĐND các cấp chú trọng và triển khai hiệu quả. Định kỳ HĐND rà soát, yêu cầu các cơ quan chịu trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết và phân công các ban, tổ đại biểu đánh giá kết quả thực hiện. Trong đó, HĐND đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện các kết luận giám sát, bảo đảm rõ từng nội dung kiến nghị, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan liên quan.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm Lâm Quang Thao cho hay, thời gian qua, Thường trực HĐND quận đã khảo sát, giám sát các chuyên đề: Triển khai đầu tư xây dựng các trường học trên địa bàn; thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm thực thi công vụ; giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xã hội… Sau các đợt giám sát, HĐND quận đều ban hành kết luận, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà khẳng định, với những kinh nghiệm, kết quả trên, thời gian tới, HĐND các cấp thành phố tiếp tục phát huy, đổi mới hoạt động giám sát. Đặc biệt, đối với HĐND thành phố, quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát sẽ được chú trọng hơn nữa trong việc phân công theo từng lĩnh vực tới lãnh đạo chuyên trách các ban của HĐND thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố về theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đồng thời, có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố.