Y tế

Cấp bách chặn dịch bệnh sởi bùng phát

Thu Trang 24/11/2024 - 07:02

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng chống, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng.

Hiện tại, ở nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp cấp bách và đồng bộ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa đông - xuân sắp tới.

tiem-vac-xin-soi-cho-tre-ta.jpg
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn.

“Tấn công” cả trẻ nhỏ và người lớn

Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), số ca mắc sởi đang tăng nhanh trong 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố chỉ có 2 ca bệnh sởi. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2024 ghi nhận từ 4 đến 7 ca sởi mỗi tuần; nhưng đến tháng 11-2024 đã tăng lên từ 16 đến 25 ca/tuần. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi của toàn thành phố là 87 trường hợp tại 23 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.

Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương trong năm nay đã tiếp nhận, điều trị cho gần 100 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có nhiều trẻ 6-7 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) lo ngại, sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Do đó, trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…

Lý giải về nguyên nhân trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng, các chuyên gia y tế đều cho rằng, trẻ em có hệ miễn dịch kém nên vi rút sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, vi rút sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác. Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng xảy ra muộn là viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần…

Không chỉ với trẻ nhỏ, bệnh sởi còn “tấn công” cả người lớn. Đơn cử như mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã cấp cứu nam bệnh nhân 56 tuổi (ở tỉnh Hà Tĩnh) bị biến chứng nặng do mắc sởi. Trước đó, khi phát hiện các triệu chứng: Sốt, đau đầu, mệt mỏi và xung huyết vùng kết mạc mắt, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau về uống trong 6 ngày nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn…

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như: Người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.

Không được chủ quan, lơ là

Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng mùa đông lạnh giá và giai đoạn chuyển mùa sang xuân là thời điểm lý tưởng để vi rút sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như phát ban, sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Còn ở người lớn, triệu chứng sởi thường nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ. Do đó, nhiều người dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường nên vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Bên cạnh đó, tâm lý nghĩ sởi chỉ gặp ở trẻ em cũng khiến người lớn chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Ngoài ra, sởi còn có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 12-21 ngày mới bắt đầu phát ban và lây bệnh khiến việc kiểm soát gặp khó khăn.

Ngoài những nơi tập trung đông người như khu vực công cộng, trường học... có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, các chuyên gia y tế lưu ý thêm, trong số các bệnh nhi nhiễm sởi được ghi nhận tại bệnh viện thời gian qua có một số trẻ bị lây nhiễm chéo khi đang nằm điều trị nội trú. Dịch sởi năm 2014 khiến hơn 110 trẻ tử vong là bài học đắt giá về phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Vì vậy, vấn đề cần được đặc biệt quan tâm vào thời điểm này là công tác phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Cùng với đó, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin sởi...

Cùng với việc tăng độ bao phủ vắc xin sởi trên toàn thành phố, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường các hoạt động giám sát những trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Cùng với đó, tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Khi phát hiện trường hợp mắc sởi cần phải theo dõi chặt chẽ, cách ly và điều trị kịp thời.

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Trần Đắc Phu:
Người lớn chưa tiêm, chưa mắc sởi cũng cần đi tiêm phòng

tran-dac-phu.jpg

Nguy cơ dịch bệnh sởi bùng phát vẫn hiện hữu vì năm nay rơi vào chu kỳ dịch sởi 5 năm/lần. Chính vì vậy, trước tình hình bệnh sởi có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo mạnh mẽ trong vấn đề phòng, chống như tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi theo quy định để tăng hiệu quả bảo vệ cho người dân. Chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi được triển khai là rất cần thiết. Khi triển khai tốt chiến dịch tiêm vắc xin sẽ giúp khống chế được sự bùng phát của dịch sởi. Do đó, khi tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, người dân và các địa phương cần thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn chưa tiêm vắc xin phòng sởi, chưa mắc sởi cũng cần đi tiêm phòng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương:
Hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện

pho-giam-doc-so-y-te-ha-noi.jpg

Để chủ động phòng, chống bệnh sởi lây lan trong các bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc khám sàng lọc, phân luồng, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện phải bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa truyền nhiễm hay khoa lâm sàng khác, bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly điều trị riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các bệnh viện bảo đảm việc cung ứng và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, đồng thời thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC Bạch Thị Chính:
Tránh tâm lý khi có dịch bệnh mới tiêm vắc xin

giam-doc-y-khoa-he-thong-ti.jpg

Trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh, gần 200 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc ghi nhận lượt trẻ em và người lớn đến tiêm vắc xin sởi và vắc xin có thành phần phòng sởi tăng cao. Việc người dân chủ động phòng bệnh là một dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh số ca mắc sởi gia tăng. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cần tuân thủ nguyên tắc tiêm đủ liều, đúng lịch. Mỗi người cần tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin sởi. Bởi tiêm một mũi chỉ đạt hiệu

quả phòng ngừa từ 80%-85%. Còn khi tiêm đủ 2 mũi, hiệu quả phòng bệnh mới lên tới 98%. Mặt khác, vắc xin khi tiêm vào cơ thể cũng cần vài tuần để tạo ra kháng thể. Trong thời gian kháng thể chưa tạo đủ hiệu quả bảo vệ, trẻ vẫn có thể mắc bệnh. Do đó, phụ huynh cần tránh tâm lý chủ quan chỉ khi có dịch bệnh mới đưa con em đi tiêm phòng mà cần thực hiện tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Trang Thu ghi