“Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ”
Hiền Trang được đánh giá là một tác giả 9x nổi bật bởi khả năng vừa sáng tác vừa dịch thuật, viết các tiểu luận phê bình đồng thời còn được mời làm MC của nhiều cuộc tọa đàm bởi kiến văn phong phú và lối dẫn có hồn.
Sáng tác của Hiền Trang đa dạng các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, các bài phê bình, phỏng vấn về các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc và sách. Cô cũng là bút danh quen thuộc của nhiều bài báo về văn hóa nghệ thuật trên một số tờ báo và tạp chí.
“Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ”, “Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi”, “Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa”, “Dưới mái hiên đêm - những khách lạ”, “Chopin biến mất”, “Những khán giả ngồi trong bóng tối”, “Tại sao ta yêu” là tên những tập sách đầy ấn tượng đã ra mắt của Hiền Trang. Cô đã nhận được một số giải thưởng văn học uy tín như giải B Giải thưởng Văn học Đoàn Thị Điểm năm 2015, giải 3 Văn học tuổi 20 lần 6, giải tư Văn học tuổi 20 lần 7. Năm 2022, Hiền Trang là đại diện của Việt Nam tham gia International Writing Program (IWP) của Đại học Iowa (Mỹ) cùng với 33 tác giả, nhà văn đến từ nhiều quốc gia.
Ghi chép lại từ những trải nghiệm và cảm nhận của cô trong lần vinh dự tham gia chương trình viết văn quốc tế (IWP) này, cuốn sách “Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ” (NXB Kim Đồng, 2024) như đúc kết thành quả từ hành trình “đãi chữ tìm văn” của nữ nhà văn trẻ. Đây có thể xem là nhật ký nghệ thuật của Hiền Trang như một lời mời gọi độc giả cùng đối thoại với văn chương, nghệ thuật, và suy nghĩ về mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống này.
Thông qua những câu chuyện trong cuốn sách trong “Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ”, người đọc được “tiếp xúc với ngôn từ theo nghĩa thuần khiết nhất”, “tự do chạy nhảy giữa những hành lang của nghệ thuật và ngôn từ”, và được đắm chìm trong cảm giác “yêu văn chương một cách kiêu hãnh” với các chiều kích không gian và thời gian mở rộng, với những diện mạo được giải mã từ nhiều hướng... Nhà văn Hiền Trang đồng hành cùng độc giả để đi tìm những trả lời thú vị và thấu đáo cho hàng loạt câu hỏi trực quan và thiết thực về nghề viết như Tại sao bạn viết? Bạn còn có thể viết về những gì trong thời đại mà mọi thứ đã được viết hết ra? Một người viết phải đối mặt với những áp lực và định kiến nào? Có thể tìm kiếm cảm hứng viết từ đâu? Cách để trở nên nghiêm túc và có cam kết với văn chương...
Trong quá trình đọc sách, độc giả sẽ bị thuyết phục bởi kiến thức và trải nghiệm phong phú của Hiền Trang qua những dẫn chứng chắc nịch của những tên tuổi lẫy lừng cùng tác phẩm bảo chứng, ngang qua nhiều câu chuyện hậu trường để chứng minh văn chương len lỏi vào trong hơi thở đời sống, để củng cố niềm tin rằng, ai cũng có thể trở thành “nhà văn” theo con đường riêng biệt nhất bằng chính niềm khát khao được viết của họ, như văn hào Kurt Vonnegut thành công với nghiệp viết nhờ ông không theo học khoa Anh Văn mà theo khoa Hóa học; hay Yiyun Li - một trong những cây bút quan trọng nhất của văn chương Mỹ đương đại, chọn nghề viết chỉ vì không thích công việc... dọn nhà vệ sinh.
Hiền Trang viết: “Trong bài hát “Words” của Bee Gees có câu: “Words are all I have, to take your heart away” (tạm dịch: “Ngôn từ là tất cả những gì tôi có, để lấy đi trái tim người”). Tôi mượn tứ đó để đặt tên cuốn sách này. Câu hát ấy cũng chưa bao giờ đúng hơn với tôi. Ngôn từ là tất cả những gì tôi có. Nhưng tôi không nghĩ mình cần nhiều hơn”. Nếu cảm nhận về người sáng tác, như nhạc sĩ sẽ đặt những nốt nhạc yêu nhau ở cạnh nhau thì với người viết chắc cũng thế, họ sẽ dốc lòng mà đặt những từ ngữ yêu nhau ở cạnh nhau. Bởi: “Nếu được chọn giữa hạnh phúc và sáng tác, tôi sẽ chọn sáng tác” - đó cũng là chia sẻ từ Hiền Trang.