“Tour sáng tạo”: Khám phá di sản Thủ đô qua lăng kính mới
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn kéo dài. Đặc biệt, chuỗi “Tour sáng tạo” với những dấu ấn đặc sắc đã phần nào “đánh thức” các di sản quý giá của Hà Nội.
Việc thiết kế các chương trình bộ hành kết nối các điểm di tích trở thành một tour tuyến hoàn chỉnh trong lễ hội lần này là gợi ý để ngành Du lịch Thủ đô có thêm một sản phẩm mới mang nét độc đáo, đặc trưng và hấp dẫn.
Đưa di sản đến gần người dân
Hà Nội có nhiều công trình di sản nằm ngay trung tâm thành phố, nhưng không phải ai cũng có cơ hội tham quan bên trong và tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, giá trị kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa đằng sau mỗi di tích. Vì thế, tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, các di tích lần đầu tiên được mở cửa đón khách tham quan như Bắc Bộ phủ, Đại học Tổng hợp... đã thu hút rất đông du khách.
Tại lễ hội năm nay, Vietravel là đơn vị lữ hành đầu tiên khai thác chuỗi “Tour sáng tạo” gồm 6 sản phẩm: “Những bước chân kể chuyện”, “Lịch sử và Âm vang - Dấu thiêng Hà Nội”, “Bắc Bộ Phủ - Dấu ấn”, “Nhà hát Lớn - Kiệt tác”, “Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Di sản” và “Hà Nội tinh hoa”.
Chuỗi tour này được thiết kế nhằm tối ưu hóa thời gian tham quan, theo đó, du khách có thể lựa chọn các tour có thời lượng từ 30 phút đến 3,5 tiếng. Thậm chí, tour “Hà Nội tinh hoa” kéo dài tới 8 tiếng khi kết hợp nhiều trải nghiệm. Du khách không chỉ được khám phá những di tích lịch sử mang tính biểu tượng của Hà Nội, ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn được trải nghiệm đi xích lô tham quan hồ Hoàn Kiếm, thưởng thức ẩm thực Hà thành và hòa mình vào những phút giây thăng hoa cùng các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trong chương trình nghệ thuật đa giác quan “Dấu thiêng Hà Nội”...
Đây cũng là lần đầu tiên, người dân Thủ đô được nhìn ngắm kỹ hơn các công trình kiến trúc nằm trong Cung Thiếu nhi Hà Nội - một di sản liên thế hệ đã kết nối chặt chẽ các giai đoạn lịch sử của đất nước với các thế hệ thiếu nhi.
Điểm nhấn quan trọng trong tour bộ hành “Những bước chân kể chuyện” được du khách ưa thích là di tích Bắc Bộ phủ. Nơi đây không chỉ gây ấn tượng với lối kiến trúc Pháp cổ điển mà còn là chứng tích của những sự kiện lịch sử hào hùng, từ cuộc mít tinh năm 1945 đến cuộc chiến “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” những ngày mùa đông năm 1946. Đặc biệt, du khách còn được tìm hiểu không gian sống, làm việc của Hồ Chủ tịch những ngày sau Cách mạng Tháng Tám cho đến Ngày Toàn quốc kháng chiến cùng những câu chuyện về nghệ thuật ngoại giao tài tình của Bác tại Bắc Bộ phủ.
Các điểm đến còn lại như Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Vườn hoa Con cóc... cũng là những điểm đến kết nối hành trình tour, giúp du khách có những trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử Thủ đô qua các thời kỳ, để từ đó thêm yêu và gắn bó với mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Liên kết để phát huy sức sáng tạo
Để xây dựng nên những sản phẩm độc đáo lần đầu tiên ra mắt du khách với những trải nghiệm khác biệt này, Công ty lữ hành Vietravel đã phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhằm có nguồn thông tin chính xác về các công trình kiến trúc, từ đó xây dựng những bài thuyết minh chuẩn và hấp dẫn cho du khách.
Bên cạnh đó, Vietravel cũng phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Breezing.In đưa vào vận hành nền tảng công nghệ tiên tiến với các giải pháp tối ưu nhằm tạo thuận lợi trong việc quản lý tour, phân phối vé và check-in bằng công nghệ AI; từ đó tiết kiệm thời gian đồng thời giảm bớt chi phí cho cả đơn vị tổ chức lẫn du khách.
Không những thế, việc kết hợp tham quan các di tích với trải nghiệm nghệ thuật tuồng đã giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm ấn tượng, đồng thời góp phần gia tăng giá trị cho di sản và định vị thương hiệu điểm đến.
Theo Trưởng nhóm Marketing (Phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Tuồng Việt Nam) Bùi Yến Linh, di sản hiện là “thị trường tiềm năng” để khai thác, phát triển du lịch.
“Cần xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử tích hợp với các công nghệ để thu hút khách du lịch, đặc biệt là tệp khách hàng trẻ và khách quốc tế bởi đây là hai đối tượng luôn muốn tìm hiểu sâu về văn hóa. Bên cạnh việc thúc đẩy du lịch phát triển, các sản phẩm này còn góp phần truyền tải sự đa đạng, độc đáo của văn hóa Việt, qua đó định vị thương hiệu du lịch quốc gia” - bà Linh chia sẻ.
Từ con số hơn 300.000 lượt khách đến với Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, hơn 10.000 lượt khách mua “Tour sáng tạo” và hơn 1.000 lượt khách trải nghiệm show “Dấu thiêng Hà Nội”, có thể thấy, dư địa để phát triển loại hình tour này còn rất lớn.
Theo Giám đốc khối Inbound (Công ty lữ hành Vietravel) Ngô Minh Quân, những sản phẩm như thế này cần được tiếp nối và duy trì nhằm phát huy tối đa giá trị của di sản. Tuy nhiên, cần có sự “bắt tay” giữa cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị lữ hành và điểm di tích để tìm ra được cơ chế vận hành hợp lý cho các sản phẩm tương tự “Tour sáng tạo”.
Việc “mở cửa” các di sản vốn ngủ yên lâu nay sẽ góp phần phát huy giá trị di sản và mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Số lượng khách bùng nổ trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 và chuỗi “Tour sáng tạo” là tín hiệu tốt để Hà Nội đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa đầy tiềm năng. Theo nhiều chuyên gia, đây cũng có thể được coi là mô hình điển hình để các thành phố sáng tạo tại Việt Nam có thể học tập.