Bảo đảm quyền lợi người dân, gỡ khó cho doanh nghiệp kinh doanh vàngBài 3: Tìm mô hình quản lý thị trường vàng phù hợp
Việc không cho phép các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu để làm trang sức, mỹ nghệ là tư duy “không quản được thì cấm”, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Có tư duy "không quản được thì cấm"?
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về quản lý thị trường vàng, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc không cho phép các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu để làm trang sức, mỹ nghệ là tư duy “không quản được thì cấm”, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Trả lời đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước không cấm doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu vàng. Do đó, tùy theo chính sách tiền tệ của từng thời kỳ, cơ quan quản lý có chính sách phù hợp về xuất, nhập khẩu vàng.
Về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng vì nhiều lý do, trong đó có việc chống "vàng hóa" nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước không hỗ trợ và không khuyến khích tăng nguồn cung để giảm nhu cầu vàng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận xét, tư duy “không quản được thì cấm” dường như được thể hiện trên thị trường vàng hiện tại. Cụ thể, chỉ những nhà kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới có thể kinh doanh vàng miếng (vàng miếng SJC, thương hiệu vàng miếng duy nhất trên thị trường). Giao dịch không thực hiện với đơn vị được cấp phép được coi là bất hợp pháp.
“Trường hợp này cho thấy, tư duy “không quản được thì cấm” đúng với việc quản lý thị trường vàng hiện tại”, vị chuyên gia này nhấn mạnh. Trong khi đó, thị trường "chợ đen" hình thành và người dân vẫn giao dịch mua, bán vàng miếng khi có nhu cầu nhưng thị trường chính thức không đáp ứng đủ.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, bỏ tư duy "không quản được thì cấm" chính là bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Tất cả thương hiệu vàng miếng trên thị trường đều có thể cạnh tranh bình đẳng. Ngân hàng Nhà nước cho phép các nhà kinh doanh vàng tự do, thị trường rộng mở sẽ tốt hơn thị trường chỉ có 1 thương hiệu vàng, rồi thương hiệu vàng đó không có nguồn cung để đáp ứng cầu.
Cần lập sàn giao dịch vàng
Vậy, câu hỏi đặt ra là mô hình quản lý thị trường vàng thế nào là phù hợp? Trả lời câu hỏi, nhiều chuyên gia cho rằng, cần lập sàn giao dịch vàng để thị trường vàng phát triển minh bạch, bền vững, liên thông với thế giới.
Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường đưa quan điểm, một trong những giải pháp phát triển thị trường vàng là phải thành lập sàn giao dịch vàng và cho phép liên thông với thị trường vàng thế giới. Thị trường sẽ điều tiết giá vàng theo cơ chế cung-cầu. Cùng với đó, cần sử dụng công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng và tương lai, nhập khẩu vàng theo thị trường.
Gợi ý về một số kinh nghiệm trên thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam - ông Huỳnh Trung Khánh chia sẻ, trong khu vực Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia đều đã thành lập sàn giao dịch vàng. Hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng vật chất (bao gồm vàng nữ trang, vàng miếng, vàng nguyên liệu 9999 dưới dạng thỏi) do các bộ thương mại và kinh tế quản lý.
Giao dịch vàng phi vật chất (vàng tài khoản, hợp đồng vàng tương lai (kỳ hạn) và các hợp đồng vàng phái sinh…) do các ngân hàng thương mại thực hiện, dưới sự kiểm soát của ngân hàng trung ương, hoặc được giao dịch trên các sàn chứng khoán quốc gia dưới sự quản lý của bộ tài chính.
Còn tại Trung Quốc, trước đây, chính sách đóng thị trường vàng cũng được thực thi. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã từng bước tự do hóa thị trường, đặc biệt là từng bước xóa bỏ cơ chế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh và phân phối vàng; xóa bỏ từng bước chế độ quản lý xuất, nhập khẩu vàng.
Năm 2002, Trung Quốc thành lập Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) do PBOC quản lý, giám sát toàn bộ hoạt động. SGE được tổ chức thành 2 thị trường: Giao dịch vàng vật chất và giao dịch vàng qua tài khoản. Sàn có hệ thống nhiều thành viên chính, gồm ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại lớn, một số ngân hàng quốc tế, công ty kinh doanh vàng lớn và một số công ty khai thác mỏ vàng. Các thành viên này là các nhà tạo lập thị trường, tham gia giao dịch, làm đại lý nhận lệnh, thực hiện chức năng ngân hàng thanh toán hoặc cung cấp dịch vụ kho bãi, giao nhận.
Các loại hàng hóa kinh doanh tại SGE thời gian đầu gồm có vàng, bạc, bạch kim, sau thêm nhiều mặt hàng khác. Giá các sản phẩm do cung - cầu trên sàn quyết định.
Là một trong những nước tiêu thụ vàng lớn trên thế giới, lượng vàng nhập khẩu hằng năm khá nhiều, nhưng thị trường vàng Trung Quốc 20 năm qua hoạt động ổn định và phát triển, liên thông với giá thế giới.
Ông Huỳnh Trung Khánh đề xuất, Việt Nam đã hội nhập quốc tế, vì vậy, cần quản lý thị trường vàng theo xu hướng quốc tế, đó là tiến dần đến tự do hóa thị trường vàng, bắt đầu từ việc tự do hóa từng phần, từng giai đoạn. Đầu tiên là tự do hóa thị trường vàng vật chất, sau đó là đến việc kinh doanh vàng phi vật chất (vàng tài khoản), rồi dần xóa bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất, nhập khẩu vàng.
Vàng vật chất như vàng trang sức cần được xem là mặt hàng kinh doanh không điều kiện, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chuyển Bộ Công Thương quản lý như mặt hàng thông thường. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý vàng phi vật chất và vàng miếng.