Văn hóa

“Đánh thức” di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo: Mở ra những cơ hội mới từ “trợ thủ” AI

Hạ Yến 23/11/2024 - 15:08

Số hóa di sản, ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch văn hóa luôn là vấn đề được Thành phố Hà Nội quan tâm. Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024, người xem “mãn nhãn” trước những kết quả mà “trợ lý” AI mang lại trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản kiến trúc.

vh2.jpg
Một trong số tác giả của “Thăng đường nhập thất” đang giới thiệu về tác phẩm.

Chắc hẳn tất cả những ai yêu mến lịch sử - văn hóa - kiến trúc khi đến với Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay, đặc biệt là sự kiện diễn ra tại khuôn viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên - 19 Lê Thánh Tông (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây), sẽ không thể không đồng ý với chia sẻ của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính rằng: "Có lẽ sống quá lâu với Hà Nội chúng ta sẽ "chai lì" với những gì Hà Nội có, nhưng vẫn phải nói rằng Hà Nội là thành phố "lạm phát" sự đặc sắc. Tôi rất trân trọng sự dũng cảm của các KTS, các nghệ sĩ với những tác phẩm ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để làm sống lại di sản".

Là một trong hoạt động đáng chú ý trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024, tổ hợp Triển lãm cảm thức Đông Dương đưa khán giả đến với một không gian nghệ thuật hoàn toàn mới. "Trợ thủ" AI về công cụ tương tác ánh sáng, video art, 3D mapping... biến tòa nhà kiến trúc Đông Dương 19 Lê Thánh Tông trở thành một “cung điện nghệ thuật”. Tổ hợp triển lãm là cuộc đối thoại với chính công trình di sản kiến trúc này qua các tác phẩm sắp đặt, qua sự giao hòa ánh sáng tương tác lên từng vòm cổng, hành lang, cầu thang cuốn, chi tiết hoa văn, hay các tác phẩm điêu khắc, hội họa...

“Nhân vật chính” trong tổ hợp triển lãm là bức tranh khổng lồ của họa sĩ Victor Tardieu có kích thước 11m x 7m với hơn 200 nhân vật khác nhau nằm trong giảng đường Ngụy Như Kon Tum. Từ bức tranh này, một tác phẩm “Thăng đường nhập thất” đã ra đời, đem đến hơi thở đương đại cho tác phẩm gần 100 năm tuổi trên cơ sở dựng lại từ ảnh gốc đen trắng sau đó xử lý bằng công nghệ số. Nhóm tác giả (gồm họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, nhà nghiên cứu Phạm Long, nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải và chuyên gia xử lý ảnh Viên Hồng Quang) đã dùng AI để “học” màu qua tranh sơn dầu gốc, sau đó kết hợp video art và chuyển động (animation) để làm bức tranh “sống” lại với cảm giác nhân vật trong tranh “động đậy” hay những dòng nước khẽ chảy.

Kết hợp nhiều công cụ AI khác nhau để làm nên tác phẩm “Thăng đường nhập thất”, nhưng nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, AI có thể làm nên nhiều hơn thế, như giúp người xem tìm lại ký ức di sản trong từng bức tranh. AI có thể giúp “đọc” thông tin trong quá khứ về từng nhân vật, ngành nghề, trang phục... ẩn sau mỗi chi tiết trên tranh nếu kho dữ liệu hình ảnh được thực hiện tốt. Việc số hóa các tác phẩm tranh kinh điển, các bức ảnh về kiến trúc... cộng thêm trường thông tin dữ liệu đa dạng cho tác phẩm sẽ giúp thế hệ sau có thể khai thác ký ức, tạo ra nhiều tác phẩm phái sinh. Đây là điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện.

AI đang ngày càng “can thiệp” vào nhiều lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa mà một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn là kiến trúc. Theo KTS Đinh Thị Hải Yến, không dừng lại ở việc tối ưu hóa các quy trình thiết kế, công nghệ còn thúc đẩy số hóa tài liệu, hình ảnh và mô hình kiến trúc để bảo tồn, lưu trữ, trưng bày và phát huy các giá trị kiến trúc. Như Văn Miếu - Quốc Tử Giám vốn không xa lạ với cộng đồng, nhưng khi tour đêm “Tinh hoa đạo học” ra đời, những người đã quen với nơi này vẫn muốn đến thêm lần nữa để được khám phá Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ban đêm với màn tương tác cùng “cụ rùa” bằng công nghệ AI. Hay như Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng tổ chức tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” với sự kết hợp ứng dụng thuyết minh tự động tải Audio Guide. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam triển khai dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA.

Ngày 11-10, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu là vấn đề được Thành phố đặt ra với nhiệm vụ đảm bảo 100% các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số...

Tuy nhiên, AI chỉ là một công cụ và nó chỉ hoạt động tốt khi dữ liệu đầu vào được cung cấp đủ tốt, chứ không thể thay thế hoàn toàn con người, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo. Theo chuyên gia xử lý ảnh Viên Hồng Quang, “sử dụng công nghệ đã và đang góp phần làm “sống lại” di sản, không chỉ là hình ảnh mà còn là những câu chuyện sau đó, thậm chí mở ra cho chúng ta những cơ hội sáng tạo mới trên “nền” tác phẩm cũ. Nhưng chính trong thời đại của trí tuệ nhân tạo thì chữ “Tâm” càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.