Thế giới

EU phát triển hệ thống phòng thủ chung: Tăng cường năng lực quốc phòng

Quỳnh Dương 23/11/2024 - 06:43

Trong một động thái nhằm tăng cường năng lực quốc phòng, 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký một ý định thư tập trung vào việc cùng chia sẻ chi phí phát triển các hệ thống phòng thủ chung.

Lợi ích chiến lược của dự án mới là giúp EU tập trung nguồn lực cải tiến công nghệ sản xuất vũ khí thay vì lãng phí tài chính khi các nghiên cứu riêng lẻ bị trùng lặp.

eu.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đưa ra nhiều kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ chung.

Theo cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), EU đang bước vào giai đoạn đột phá trong phát triển năng lực quốc phòng với các dự án hợp tác về phòng không, tên lửa, tàu chiến và tác chiến điện tử. Mục tiêu là củng cố vai trò chiến lược của EU. Song, việc hiện thực hóa đang đối mặt với những thách thức tài chính cũng như khả năng hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Báo cáo đánh giá thường niên phối hợp về quốc phòng (CARD) năm 2024 vừa được các bộ trưởng quốc phòng EU phê duyệt cho thấy, chi tiêu trong lĩnh vực này của các quốc gia thành viên sẽ đạt 326 tỷ euro, chiếm 1,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối trong năm nay, tăng 30% so với thời điểm trước khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine. Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù chi tiêu quốc phòng tăng, nhưng nỗ lực riêng lẻ của mỗi quốc gia là không đủ để cho phép lực lượng vũ trang của các quốc gia thành viên EU chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến tranh cường độ cao, vì vậy cần có sự hợp tác lớn hơn. Hợp tác quốc phòng của EU phải được đẩy nhanh để liên kết nỗ lực của các quốc gia với những mục tiêu đã thống nhất, hội tụ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); giảm sự phân mảnh, đồng thời tăng cường an ninh của châu Âu.

CARD khuyến nghị các quốc gia thành viên đầu tư vào tài sản trên bộ, trên không và trên biển theo ưu tiên phát triển năng lực EU năm 2023 đã thống nhất. Điều này bao gồm việc bổ sung kho dự trữ, hiện đại hóa các hệ thống phòng không và phòng thủ trên bộ; tăng cường khả năng tương tác, đầu tư vào các yếu tố hỗ trợ chiến lược như phòng thủ mạng an toàn và bền vững. Ngoài ra, việc kiểm soát, chỉ huy hệ thống không gian mạng và truyền thông vệ tinh cũng được đánh giá là quan trọng. Trong số các dự án nhằm tăng cường năng lực quốc phòng chung, lĩnh vực phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp thu hút sự quan tâm lớn nhất từ 18 quốc gia thành viên EU. Các dự án này tập trung vào việc mua sắm hệ thống chống thiết bị bay không người lái (C-UAV), tên lửa phòng không (GBAD) và đạn dược.

Đáng chú ý, ít nhất 7 quốc gia thành viên, trong đó có Bỉ và Hà Lan, đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển "Tàu chiến châu Âu". Dự án này nhằm bảo vệ các vùng biển của liên minh và ứng phó với các cuộc xung đột ở nước ngoài, với mục tiêu trở thành hoạt động hợp tác hải quân lớn của châu Âu vào năm 2040. Về chiến tranh điện tử, ít nhất 14 quốc gia thành viên đã xác nhận ý định cùng cải thiện năng lực của mình thông qua việc mua sắm chung thiết bị; thiết lập các nền tảng chia sẻ dữ liệu và phát triển các học thuyết, đào tạo, bài tập và cơ sở chung. Trong dài hạn, các nước này sẽ tập trung vào việc phát triển các hệ thống khí tài tương lai, đặc biệt là để gây nhiễu và chống gây nhiễu. Về đạn dược, ít nhất 17 quốc gia thành viên chia sẻ ý định tổng hợp các nhu cầu nhằm mục đích mua sắm chung trong ngắn hạn và tiếp tục phát triển chúng trong trung hạn đến dài hạn.

Theo đánh giá được đưa ra trên nền tảng diễn đàn an ninh Helsinki, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm bộc lộ những điểm yếu của an ninh châu Âu. Khi nguy cơ chiến tranh hiện hữu ngay trước “cửa nhà” EU, nếu chỉ dựa vào các hành động ngoại giao và kinh tế là không đủ để bảo đảm hòa bình và ổn định. Một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ không chỉ tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và quyền tự chủ chiến lược mà còn củng cố an ninh toàn diện của Cựu lục địa.

Đặc biệt, khi ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2025, nhu cầu tự tăng cường phòng thủ của EU càng trở nên cấp thiết. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã nhiều lần nhắc tới khả năng Mỹ rút khỏi NATO và không tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Nói một cách khác, các quốc gia EU hiện đang phải đối mặt với thời kỳ đầy thách thức và cần hành động nhanh chóng để ứng phó với bất kỳ quyết định nào mà Tổng thống Mỹ có thể đưa ra trong nhiệm kỳ tới.