Thị trường

Xuất khẩu Hà Nội tăng tốc

Thanh Hiền 22/11/2024 - 20:35

Xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024 có nhiều tín hiệu khởi sắc đang tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Hà Nội bám sát diễn biến thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trước những tín hiệu tích cực của thị trường quốc tế, xuất nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô những tháng cuối năm.

Phục hồi ấn tượng

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 15.467 triệu USD, tăng 12,3% so với năm 2023. Khu vực kinh tế trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 9.035 triệu USD, tương đương 58,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Trong số 11 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội, có 9 nhóm hàng ghi nhận sự tăng trưởng so với năm trước. Điển hình là hàng nông sản đạt 1.263 triệu USD, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 43,9% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng may, dệt đạt 1.879 triệu USD, chiếm 12,2% tổng kim ngạch, tăng 8,3%. Thủy tinh và các mặt hàng từ thủy tinh đạt 253 triệu USD, chiếm 1,6%, tăng 30,9%...

Về thị trường trọng điểm, ASEAN đạt 2.676 triệu USD, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,8% so với năm 2023. Hoa Kỳ đạt 2.800 triệu USD, chiếm 18,1%, tăng 23,2%. EU đạt 1.779 triệu USD, chiếm 11,5%, tăng 19,6%. Trung Quốc đạt 1.500 triệu USD, chiếm 9,7%, tăng 4,7%. Nhật Bản đạt 1.423 triệu USD, chiếm 9,2%, tăng 2,3%...

Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp Việt trong quá trình xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới. Theo Phó Tổng Giám đốc Hapro Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài giảm đơn hàng, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Còn theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), bối cảnh thị trường năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và không bền vững. Điểm khác biệt duy nhất của năm 2024 so với 2023 là sau mỗi quý, thị trường chuyển biến thuận lợi hơn. Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị ngành may thuộc Vinatex đều kinh doanh có hiệu quả, doanh thu tăng 10%, lợi nhuận tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Một số đơn vị có nền tảng quản trị và thị trường tốt cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, lợi nhuận 9 tháng vượt 75%, thậm chí vượt 100% kế hoạch cả năm 2024.

Trong bối cảnh khó khăn do lạm phát thế giới tăng cao, các doanh nghiệp còn nỗ lực thực hiện những cách thức xuất khẩu mới như xúc tiến thương mại trực tuyến, xuất khẩu thông qua các sàn thương mại điện tử lớn hoặc tập đoàn bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, MM Mega Market...

Đồng thời đẩy mạnh kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU... Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú cho biết, hoạt động xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… đang là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp tăng cường triển khai bởi hình thức này giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, thời gian chuyển hàng, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với xuất khẩu theo cách truyền thống.

Tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia, kinh tế Hà Nội đã đi qua gần hết chặng đường của năm với những kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu đã đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, từ nay đến hết năm các thị trường là đối tác chiến lược của Việt Nam tiếp tục có đà phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên để có thể khai thác thị trường thế giới đòi hỏi đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, thành phố Hà Nội đã, đang triển khai hàng chục sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh việc tham gia hội chợ quốc tế, thành phố Hà Nội còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua nền tảng số trong cơ chế trao đổi thông tin với các tham tán thương mại và các tổ chức quốc tế.

Nhìn nhận những lợi ích mà hoạt động xúc tiến thương mại mang lại, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn công nghệ Enviva Nguyễn Thị Xuyến nhận định, các chương trình xúc tiến đã giúp thị trường nông sản phát triển bền vững. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nội địa, thúc đẩy thị trường xuất khẩu trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu.

Thông tin về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA.

Riêng với thị trường Trung Quốc, đơn vị sẽ cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quan trọng này. Đồng thời, tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài.

Không chỉ có vậy, để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, ngành Công Thương Hà Nội sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp. Ngoài ra, lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước... “Hoạt động xúc tiến thương mại của Hà Nội sẽ được đẩy mạnh để giúp các doanh nghiệp tìm các đối tác xuất khẩu hàng hóa. Về phía các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống”, Phó Giám đốc Nguyễn Kiều Oanh thông tin.
‎Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng yêu cầu ngành Công Thương Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế, giúp doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài bởi đây là một trong những giải pháp để tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.