Giáo dục

Sử dụng hiệu quả để AI là công cụ mạnh mẽ chuyển đổi số giáo dục

Thanh Tàu 22/11/2024 - 18:00

Ngày 22-11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: Từ thách thức đến đột phá”.

img_7782.jpg
Hội thảo khoa học về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nghiêm Ý

Hội thảo có sự tham dự của sở giáo dục và đào tạo 5 tỉnh miền Đông Nam bộ, thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, cùng đại diện nhiều tập đoàn công nghệ châu Á - Thái Bình Dương và Bộ Giáo dục Singapore, với hơn 100 đại biểu.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Jason See, Giám đốc công nghệ (Bộ Giáo dục Singapore) cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hỗ trợ ngành giáo dục bằng cách giảm bớt công việc của giáo viên để họ có thời gian chăm lo cho học sinh và cá nhân hóa học sinh, cũng như tạo nội dung phù hợp với thế mạnh của mỗi em.

Để ứng dụng AI trong giảng dạy, cần phải triển khai đồng bộ công nghệ, chính sách và nhân lực. “Chúng ta phải làm sao để giáo viên tiếp cận với công nghệ hiện đại, phải có giải pháp để họ sử dụng, quản lý các công nghệ và tạo động lực để họ thật sự thay đổi”, ông Jason See nói.

Cũng theo ông Jason See, trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ, là một cấu phần trong cuộc sống hiện nay. Do đó, học sinh và giáo viên cần phải biết, hiểu và sử dụng nó hợp lý. AI không thể thay thế giáo viên, khi giáo viên ứng dụng chúng vào công việc thì chúng là công cụ mạnh mẽ để chuyển đổi số giáo dục…

377.jpg
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education thông tin tại hội thảo. Ảnh: Nghiêm Ý

Tương tự, bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education cho biết, trong giảng dạy tiếng Anh, AI có thể được sử dụng để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ thông qua các ứng dụng, giúp người học luyện phát âm, cung cấp các phản hồi và đề xuất cá nhân hóa lộ trình học tập cho người học. Những công cụ này không chỉ giúp học viên dễ dàng tiếp cận kiến thức mà còn tạo cơ hội thực hành ngôn ngữ mọi lúc, mọi nơi, giúp việc học trở nên hiệu quả và thú vị hơn.

Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm học 2022-2023, thành phố thí điểm giảng dạy AI tại các trường phổ thông. Một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI năm 2024 do UBND thành phố phê duyệt là triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI...

Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Sở đã “đặt hàng” Trường Đại học Sài Gòn xây dựng đề tài khoa học về giảng dạy AI cho học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố. Theo nội dung của đề tài, việc giảng dạy AI bắt đầu từ khối 3, hướng đến mục tiêu mở rộng dạy đại trà cho học sinh ở tất cả bậc học.

1299.jpg
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nghiêm Ý

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá cao sự chủ động, tiên phong của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố khi tiếp cận các công nghệ mới trong ngành giáo dục.

“Hiện, mọi người đã thay đổi cách nghĩ về AI. Trước đây, có ý kiến cho rằng nó sẽ thay thế con người nên có người có cảm giác sợ công nghệ, nhưng giờ đây trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu hiệu phục vụ việc học, còn dùng như thế nào là mỗi người quyết định", ông Hải nói.

Theo ông Hải, AI hỗ trợ hữu hiệu cho hoạt động giáo dục, tuy nhiên nó cũng đem lại những thách thức. Cụ thể, nếu quá lạm dụng chúng trong hoạt động giáo dục, học sinh giảm sự tương tác, mất đi tư duy độc lập, là thách thức cho đội ngũ nhà giáo trong thay đổi phương pháp dạy học và cách đánh giá...

"Chỉ khi chúng ta nhìn rõ được những thách thức thì sẽ có giải pháp để vận dụng AI hiệu quả và đúng hướng”, ông Nguyễn Sơn Hải nhấn mạnh.