Cuốn hút với thế giới phù thủy trong văn học
Sách - Ngày đăng : 05:39, 25/09/2022
“Bạn đọc phù thủy”
Mới đây, một lá thư mời của NXB Trẻ được đăng tải trên fanpage đã khiến cộng đồng yêu thể loại fantasy “dậy sóng”. Thư viết: "Mến gửi các nam và nữ phù thủy. Nhằm tôn vinh nỗ lực không ngừng nghỉ phát triển cộng đồng phù thủy trong suốt 25 năm qua, NXB Trẻ và 4 vị huynh trưởng của các nhà sẽ tổ chức một buổi tiệc mang tên Ngày hội kỷ niệm 25 năm Harry Potter...”.
Ngay trong thư mời, những “từ khóa” liên quan đến bộ truyện nổi tiếng Harry Potter đã được nhắc đến, như tiệm phù thủy quỷ quái nhà Weasley, các gian hàng pháp thuật, các trò chơi trứ danh, dân Muggle, đồng Galleon, đũa phép... Chỉ 5 ngày sau khi thư mời được đăng tải công khai, hơn 6 nghìn lượt yêu thích, gần 1 nghìn lượt chia sẻ cùng với hơn 2 nghìn bình luận được gửi đến, cho thấy sức nóng từ cộng đồng “bạn đọc phù thủy”.
Trong khi các độc giả trẻ hào hứng với thư mời “chất như nước cất” thì các độc giả có tuổi lại “hoài cổ”: “Không ngờ đã 25 năm kể từ ngày cầm cuốn truyện Harry Potter đầu tiên!”. Chia sẻ trên facebook cá nhân, nhà văn Hoài Hương tâm sự: “22 năm trước, cũng vào đầu năm học, Hoài Hương đã canh mỗi sáng thứ hai đầu tuần để mua từng tập mỏng Harry Potter, dày khoảng 100 trang, giá 4.500 đồng, do Lý Lan chuyển ngữ. Đó là câu chuyện về cậu bé phù thủy kỳ ảo kỳ bí kỳ lạ kỳ thuật... tặng cho con gái yêu như một món quà tạo động lực và năng lượng học tập”.
Không ít độc giả như con gái của nữ nhà văn Hoài Hương, lớn lên cùng mỗi tập truyện Harry Potter. Cho đến nay, tại Việt Nam, bộ truyện này đã được tái bản 53 lần với nhiều phiên bản, từ thông thường đến boxset, có minh họa màu... Harry Potter chắp cánh cho trí tưởng tượng của nhiều lớp độc giả trẻ. Thậm chí, bộ sách còn được đánh giá là đã làm thay đổi cả một thế hệ. Những đứa trẻ đọc Harry Potter mang niềm tin về sức mạnh kỳ bí tiềm tàng trong mỗi con người và lớn lên với tấm lòng bao dung, nhân hậu. Phù thủy không phải toàn những kẻ quái dị, xấu xí như người ta thường tưởng tượng, còn có rất nhiều phù thủy tốt bụng, tài ba.
Thế giới fantasy đầy cuốn hút
Trong "làng truyện phù thủy" và pháp thuật, Harry Potter có “tuổi đời” khá trẻ nhưng là một trong những bộ truyện thành công nhất về đề tài này. Trước đó, đã có nhiều tác phẩm viết về thế giới phù thủy đầy cuốn hút, không ít trong số đó đã được dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam.
Năm 1900, nhà văn L.Frank Baum (Mỹ) đã xây dựng xứ Oz với những câu chuyện lôi cuốn, hồi hộp, đầy bất ngờ. Sau khi cuốn sách “Phù thủy xứ Oz” được xuất bản, hàng ngàn độc giả nhỏ tuổi đã gửi thư cho nhà văn đề nghị viết tiếp câu chuyện về Thợ Rừng Thiếc và Bù Nhìn Rơm. Bởi thế, cuốn sách thứ hai, “Xứ Oz diệu kỳ” đã được xuất bản, tiếp sau đó là các cuốn “Nàng công chúa Ozma”, “Dorothy và phù thủy xứ Oz”, “Đường tới Oz”, “Thành phố Ngọc Lục Bảo”.
Còn với nhà văn J.R.R.Tolkien, “Anh chàng hobbit” ra đời vào năm 1937 được đánh giá là tác phẩm đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của dòng tiểu thuyết kỳ ảo hiện đại. Với giọng kể hài hước và thông tuệ, cách miêu tả gây choáng ngợp về một thế giới tưởng tượng của yêu tinh, người lùn, người khổng lồ..., cuốn sách vừa như một câu chuyện cổ tích dành cho những người trẻ tuổi, vừa đạt đến tầm của một tác phẩm văn học kỳ ảo quyến rũ độc giả mọi thời.
J.R.R.Tolkien còn nổi tiếng với bộ truyện 3 tập “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Tờ Sunday Times đã tặng “những lời có cánh” cho các tác phẩm của R.R.Tolkien, rằng: “Cộng đồng Anh ngữ được phân làm hai: Những người đã đọc “Anh chàng Hobbit” cùng “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, và những người sẽ đọc”. Còn trên kênh Amazon.com là lời quảng cáo: “Tín đồ Thiên Chúa giáo chưa đọc hết Kinh thánh còn có thể tạm tha thứ, chứ một fan tiểu thuyết kỳ ảo mà chưa đọc cuốn phúc âm của thể loại kỳ ảo này thì không thể chấp nhận được”.
Ngoài những tác phẩm nổi tiếng trên, còn nhiều cuốn sách viết về thế giới phù thủy và pháp thuật như “Con gái của những phù thủy” của nhà văn Ba Lan Dorota Terakowska, “Phù thủy, Phù thủy” của Roald Dahl, “Cách treo cổ một phù thủy” của Adriana Mather, “Lâu đài bay của pháp sư Howl” và “Lâu đài trên mây” của Diana Wynne Jones, “Trái tim phù thủy” của Genevieve Gornichec, “Chiếc mũ của phù thủy” của Tove Jansson trong bộ truyện Mumi, bộ truyện “Winnie” với “Ngứa quá đi”, “Phi nhanh nào”, “Nóng quá hóa cáu”, bộ truyện “Bí mật của Nicholas Flamel” với “Pháp sư”, “Nữ phù thủy”, “Kẻ chiêu hồn”... Những bộ truyện phù thủy hiện đại có vẻ đã làm mờ ấn tượng cũ về phù thủy, mở ra thế giới huyền bí đầy sáng tạo cho độc giả và các thế hệ tác giả tiếp tục tưởng tượng và thử sức với đề tài này.