Công nghệ

Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công

Tin và ảnh Thu Hằng 22/11/2024 - 17:27

Chiều 22-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Mô hình dịch vụ công ở các Hội nghề nghiệp: Thực trạng và giải pháp”.

1(1).jpg
Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cho biết: Dịch vụ công trước đây thường gắn với trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công cộng thiết yếu cho người dân, cho xã hội; không vụ lợi, bảo đảm sự công bằng và ổn định xã hội.

Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, các quy luật cung cầu của thị trường, yêu cầu lãnh đạo, quản trị quốc gia và cải cách hành chính, các dịch vụ này không chỉ do các cơ quan Nhà nước thực hiện mà có sự tham gia cung ứng dịch vụ công của nhiều thành phần khác như: Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân được nhà nước ủy quyền. Ở nước ta còn có tên gọi khác là xã hội hóa dịch vụ công.

3.jpg
Quang cảnh hội thảo

Xã hội hóa dịch vụ công mang đến “lợi ích kép” cho cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Nhà nước giảm được gánh nặng, tập trung hơn vào công tác quản lý vĩ mô, từ đó tạo điều kiện để tổ chức Hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân đầu tư nguồn lực, tham gia giải quyết một số nhiệm vụ của nhà nước. Nhiều nhà cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ, nên dịch vụ cung cấp sẽ được rẻ hơn, tốt hơn; mặt khác, bộ máy Nhà nước cũng trở nên gọn nhẹ và tiết kiệm hơn, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ công cơ bản cho người dân.

Thực tế trong nhiều năm qua, một số Hội ngành toàn quốc trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện tham gia cung ứng, thực hiện một số dịch vụ công như: Hội Mã số Mã vạch Việt Nam, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Khoa học và Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam...

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận đánh giá thực trạng mô hình dịch vụ công ở các Hội ngành toàn quốc; những điểm nghẽn trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận và tổ chức thực hiện dịch vụ công ở các Hội ngành toàn quốc, đề xuất các giải pháp để có thêm nhiều Hội ngành toàn quốc có thể tham gia cung ứng dịch vụ công theo ngành, lĩnh vực cho xã hội, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

6.jpg
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng phát biểu

Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng, để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, nhất là dịch vụ hành chính công, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ công; cần tách việc xây dựng pháp luật để quản lý xã hội với việc tổ chức thực hiện quản lý xã hội và phân công trách nhiệm nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính sách và kiểm tra giam sát các cơ quan thực thi dịch vụ công. Bên cạnh đó, cần thực hiện đánh giá kết quả triển khai dịch vụ công đã được chuyển giao từ cơ quan nhà nước, nhất là dịch vụ hành chính công nhằm rút ra những ưu điểm, tồn tại để phát huy, khắc phục. Đặc biệt cần chú trọng bồi dưỡng lực lượng chuyên môn, khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của các hội, xây dựng các quy chế, quy tắc, bảo đảm việc cung cấp dịch vụ công được công khai, minh bạch, hiệu quả và tốt nhất cho người dân.

5(2).jpg
TS. Phạm Văn Tân phát biểu

Để thúc đẩy việc tiếp nhận và thực hiện dịch vụ công trong các hội nghề nghiệp, TS. Phạm Văn Tân, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội nghề nghiệp cần tích cực, chủ động đề xuất với các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh việc xã hội hóa dịch vụ công, tham gia đề xuất danh mục cụ thể các dịch vụ công cần chuyển giao và lộ trình chuyển giao phù hợp; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để có đủ năng lực thực hiện dịch vụ công được giao. Ngoài ra, cần chủ động hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, đề xuất nhiệm vụ dịch vụ công và kịp thời phản ánh những vướng mắc, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền các đề xuất giải quyết...