Đề xuất giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Ngày 22-11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh".
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì hội thảo.
Cùng tham dự hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ Công đoàn…
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, sau gần 40 năm đổi mới, trong đó có hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 20- NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh đạt được những kết quả quan trọng. Giai cấp công nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức, có tay nghề, kỹ năng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý tổng kết những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân, xác định những luận điểm nào còn nguyên giá trị, những luận điểm nào cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu của thời đại hiện nay; góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới của Đảng về giai cấp công nhân. Cùng với đó, thảo luận và đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Hội thảo đánh giá toàn diện, khách quan những thành tựu đạt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức, phân tích tìm ra các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan của các hạn chế; thảo luận và dự báo xu hướng biến đổi, phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Từ đó, đề xuất giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học và công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt ở một số ngành, lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…
Trong chương trình, 22 tham luận đều khẳng định, để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh thì cần phải đặt trong mối tương quan với mục tiêu phát triển đất nước, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là cần nâng cao hiệu quả tham gia xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đối với giai cấp công nhân. Cùng với đó, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; thực hiện tốt các chính sách, pháp luật và chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân...
Các tham luận cũng đề nghị quan tâm bồi dưỡng ý thức chính trị, ý thức giai cấp, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho giai cấp công nhân; đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm xây dựng và nâng cao ý thức chính trị cho công nhân; đổi mới tuyên truyền về hệ thống chính sách, pháp luật, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá cho giai cấp công nhân.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ của giai cấp công nhân Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị.
Kết quả buổi hội thảo là cơ sở, tiền đề để Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục củng cố và phát triển những vấn đề lý luận mới, sâu sắc về giai cấp công nhân Việt Nam; cũng như vai trò của tổ chức công đoàn với công tác xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện và ngày càng sâu rộng.
Đến nay, nước ta đã có hơn 15 triệu công nhân, chiếm khoảng 15% dân số, 29% lực lượng lao động xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 27,2%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm khoảng 17%, chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao như dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ hóa học, sinh học...