Nông nghiệp - Nông thôn

Đưa thực phẩm sạch tới tay người tiêu dùng

Ngọc Quỳnh 22/11/2024 - 14:35

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị giới thiệu, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Qua đó, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng những mặt hàng nông sản an toàn được cung cấp trên thị trường.

an-toan-thuc-pham-15-8.jpg
Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo, hội chợ giới thiệu sản phẩm an toàn tới tay người tiêu dùng. Ảnh: Hương Giang

Bà Ngô Mai Trang ở phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho biết, thông qua các buổi tuyên truyền và giới thiệu những cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn thành phố và qua xem trên các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình bà đã chuyển sang sử dụng thực phẩm sạch tại cửa hàng tiện ích và siêu thị. Mặc dù, giá nông sản tại các kênh phân phối hiện đại cao hơn so với sản phẩm bán tại chợ truyền thống, nhưng có dán tem nhãn nhận diện nguồn gốc, xuất xứ, có ngày sản xuất và hạn sử dụng, nên người tiêu dùng thấy yên tâm và tin tưởng hơn về chất lượng sản phẩm.

chuc-son.jpg
Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm. Ảnh: Hương Giang

Còn theo bà Đinh Thị Giang, ở phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), thông qua truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh của phường về sử dụng thực phẩm sạch, từ nhiều năm nay, gia đình bà đã mua rau, thịt ở các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn và thấy chất lượng khác hẳn so với mua những hàng này ở chợ dân sinh.

tuyen-truyen-thanh-tri.jpg
Huyện Thanh Trì tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm cho người dân. Ảnh: Phương Xuyến

Để đưa sản phẩm, hàng hóa bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng và tiếp cận được các kênh phân phối hiện đại, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, nhằm gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyệ Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám cho biết, hợp tác xã thường xuyên tổ chức các hội nghị giới thiệu quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, để người dân có thể trực tiếp hiểu hơn về thực phẩm sạch; đồng thời, thấy được người tiêu dùng hay các nhà phân phối quan tâm như thế nào đến sản phẩm của doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn, thông qua các hoạt động này, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng, như: Thịt lợn sạch, rau an toàn, xúc xích… đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

uyen-truyen-attp.jpg
Huyện Thạch Thất truyền thông về an toàn thực phẩm. Ảnh: Thanh Hải

Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Thị Vân Anh cho hay, nhờ tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại hay các hội nghị giới thiệu khách hàng, công ty biết được nhiều doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng có nhu cầu mua và sử dụng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

gian-hang-19-10.jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tổ chức hội chợ quảng bá giới thiệu sản phẩm an toàn có nguồn gốc, xuất xứ tới hội viên. Ảnh: Hương Giang

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa hàng trăm tin, bài, phóng sự về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển sản xuất, tuyên truyền về các mô hình, cách làm tốt trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Phát hành 1.000 cuốn Bản tin quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nông nghiệp, nhằm cung cấp, trao đổi các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm.

17-10.jpg
Các sản phẩm nông nghiệp an toàn có nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tại các hội chợ do ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức để quảng bá giới thiệu tới tay người tiêu dùng. Ảnh: Hương Giang

Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Sở tổ chức hàng trăm Diễn đàn khuyến nông @, hội nghị, hội thảo, lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản bằng hình thức trực tuyến với hơn 13.040 người tham dự. Trong đó, tập trung phổ biến điều kiện, quy định trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, hướng dẫn quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, IPM, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến GMP, HACCP, truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật văn bản mới cho cán bộ quản lý, hướng dẫn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng…

Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn kiến thức cho người dân, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ các cơ sở không đạt vệ sinh, an toàn thực phẩm qua kiểm tra giảm dần sau mỗi năm. Cùng với đó, tình hình lưu thông hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc có xu hướng giảm so với những năm trước. Người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…