Văn hóa

Thiết chế văn hóa dành cho công nhân: Vì sao chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động?

Bài và ảnh: Gia Bảo 21/11/2024 - 11:48

Những năm qua, mặc dù các cấp chính quyền Thành phố đã ưu tiên quỹ đất, xây dựng các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tuy nhiên các thiết chế văn hóa này hầu như chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu xây dựng đời sống tinh thần phong phú, tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất cho người lao động.

638667874697180310-anh_1_sg.jpg
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh trao quyết định thành lập Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam.

Nghịch lý “cần nhưng không có, có lại... chưa cần”

Theo thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trong năm 2021 - 2022, Liên đoàn Lao động Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mới, mỗi năm xây dựng 4 điểm mới, năm 2023 xây dựng được 6 điểm mới. Đến hết tháng 5-2024, Hà Nội có thêm 6 điểm mới, nâng tổng số điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên toàn thành phố lên 67 điểm.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Đông Anh, không chỉ có điểm sinh hoạt văn hóa công nhân do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng mà còn có điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại thôn Nhuế, xã Kim Chung (do Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh xây dựng), Trung tâm văn hóa, thể thao Khu nhà ở công nhân Kim Chung (do UBND thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng). Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều công nhân làm việc tại Đông Anh cho biết họ không biết hoặc chưa vào sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa này.

Anh Lê Văn Hùng, công nhân Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh) cho biết: “Dù đã làm việc nhiều năm tại công ty, tôi vẫn không biết phòng sinh hoạt văn hóa của công nhân ở đâu do công việc quá bận rộn, sau giờ tan ca tôi tranh thủ dành thời gian phụ giúp vợ chăm con. Những ngày cuối tuần, tôi thường dành thời gian để ngủ, tái tạo năng lượng sau một tuần làm việc mệt nhọc. Cuộc sống của tôi khá vất vả khi không chỉ lo cho gia đình nhỏ của mình mà còn chắt chiu tiền gửi về cho bố mẹ ở quê nên chả dám nghĩ tới việc giải trí, thể dục, thể thao”.

Cũng tại Khu Công nghiệp Thăng Long, anh Nguyễn Văn Sơn (Công ty TNHH Canon Việt Nam) cho rằng, đã một số lần anh đưa con trai vào đọc sách tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, song ở đây đa số là sách, báo cũ, cơ sở vật chất đã xuống cấp và cảm tưởng lâu rồi không có người dọn dẹp.

Dù nhiều năm nay Thành phố đã nỗ lực trong việc xây dựng khu nhà ở cho công nhân, song nhu cầu hiện nay của công nhân rất lớn, cung không đủ cầu. Quan sát một số khu công nghiệp ở huyện Đông Anh, có thể thấy đa phần công nhân ở những khu nhà trọ chật chội, điều kiện sống không bảo đảm. Như trường hợp chị Ma Thị Thảo Vân (dân tộc Tày, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) làm công nhân với đồng lương ít ỏi nên đã thuê căn nhà trọ ở trong ngõ sâu, không có nhà vệ sinh riêng. Chị Vân trải lòng: “Chúng tôi làm công nhân chỉ mong kiếm được tiền, chứ chả mong giải trí hay sinh hoạt văn hóa gì cả”.

Điều tương tự có thể thấy tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín). Tới đây đúng lúc tan tầm dễ bắt gặp nhiều công nhân lao động hối hả về nhà. Song, đi dạo vòng quanh khu vực này thì không thấy có điểm sinh hoạt văn hóa nào. Ở cụm công nghiệp này cũng không có sân bóng hay khu vui chơi dành cho công nhân.

Hỏi chị Ngô Thị Yến, một công nhân làm việc tại đây thì nhận được câu trả lời: “Nếu muốn, công nhân phải tự ra ngoài tìm và sử dụng các dịch vụ của địa phương chứ trong cụm công nghiệp chỉ có nhà máy, các khu làm việc. Ngoài giờ làm việc chúng tôi chủ yếu ở trong phòng trọ, vào buổi chiều mát thỉnh thoảng đưa con nhỏ ra khu vui chơi trong thôn chúng tôi thuê trọ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng như nhiều gia đình công nhân khác không thường xuyên sử dụng các thiết chế văn hóa này, do quá ít thời gian để thư giãn”.

638667874699676502-z6015352.jpg
Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân thu hút được nhiều người lao động tham gia là mục tiêu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn hướng tới.

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Theo TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), điều dễ nhận thấy ở công nhân là tiền lương thấp, còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nên nhiều người thường phải làm thêm giờ. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của công nhân khá nghèo nàn. Ngoài thời gian lao động sản xuất, khi trở về phòng trọ, họ không có nhiều phương tiện để giải trí, đi ra ngoài tham gia các dịch vụ giải trí thì chi phí lại đắt đỏ, không phù hợp với đồng lương. Vì vậy, hầu hết công nhân ít tham gia hoặc thậm chí không tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, thể thao, các hoạt động tập thể...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội còn nêu ra một thực tế, Hà Nội là thành phố có mật độ dân cư cao, đất đai khan hiếm, dẫn đến việc quy hoạch đất cho các công trình văn hóa cho công nhân gặp nhiều khó khăn. Các kế hoạch phát triển văn hóa cho công nhân chưa được định hướng rõ ràng, dẫn đến việc triển khai thiếu hiệu quả.

TS Phạm Thị Thu Lan đề xuất, giải pháp quan trọng là cần thay đổi tư duy về vai trò của doanh nghiệp, tăng tiền lương tối thiểu lên mức lương đủ sống và cần giảm bớt thời gian làm việc để người lao động có thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động văn hóa - giải trí.

“Để thực hiện các giải pháp này đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc hơn nữa của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp. Chỉ có sự thay đổi tư duy đồng bộ và sự kết hợp chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa tất cả các chủ thể trong xã hội thì mới có thể đi đến đồng thuận và thực hiện tốt các giải pháp quan trọng nói trên, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động trong các khu công nghiệp” - TS Phạm Thị Thu Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ở nhiều nơi có thiết chế văn hóa nhưng công nhân không sử dụng, đó là sự lãng phí rất lớn. Ông Bùi Hoài Sơn đề nghị chính quyền, Liên đoàn Lao động và phía doanh nghiệp nên thực hiện các biện pháp để khuyến khích người lao động tham gia. Cần tiến hành khảo sát để hiểu rõ nguyên nhân vì sao công nhân không sử dụng các thiết chế văn hóa, tìm hiểu về mối quan tâm và sở thích của công nhân để điều chỉnh các hoạt động sao cho phù hợp. Cũng cần điều chỉnh thời gian hoạt động của các thiết chế văn hóa phù hợp với lịch làm việc của công nhân, cải thiện cơ sở vật chất và dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công nhân; tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa hấp dẫn như buổi biểu diễn ca nhạc, thi đấu thể thao, hoặc các cuộc thi văn nghệ... Cùng với đó, phía công đoàn cần phối hợp với doanh nghiệp để có các phần thưởng hoặc ưu đãi như phiếu quà tặng, phần thưởng cho cá nhân và đội ngũ tham gia tích cực; tạo cơ hội đối thoại giữa công nhân và ban quản lý để lắng nghe ý kiến, ý tưởng và phản hồi..., tạo điều kiện tốt nhất để công nhân lao động có điều kiện thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, tái tạo sức lao động, từ đó nâng cao năng suất lao động, sản xuất.