Chuyển đổi số

Ngăn chặn cuộc gọi rác, lừa đảo: Đòi hỏi mạnh tay hơn!

Việt Nga 21/11/2024 - 06:16

Việc lợi dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản đang phổ biến hơn nhiều so với các công cụ và phương tiện khác. Các hình thức lừa đảo cũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Từ thực trạng này, bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước thì các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đầu số cần có các giải pháp mạnh tay hơn.

sim.jpg
Nhân viên VinaPhone Hà Nội thực hiện chuẩn hóa thông tin cho khách hàng tại phòng giao dịch ở số 97 đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa).

"Chỉ mặt" cuộc gọi Sip Trunk, tổng đài ảo

Theo Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp, phương thức khác nhau để ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng.

Cụ thể, tổng đài 5656/156 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo, đòi nợ; triển khai các cổng tiếp nhận tin giả; ứng dụng công nghệ để rà quét, phát hiện thông tin giả mạo trên mạng; ban hành Cẩm nang nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, cũng như các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.

Tháng 6-2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đình chỉ phát triển thuê bao mới trong vòng hai tháng của 3 nhà mạng: Vietnamobile, Vnsky, Mobicast khi phát hiện vi phạm về sim rác. Trong hai năm 2023 và 2024, có 97 đoàn thanh tra, kiểm tra về thông tin thuê bao, sim rác, tin nhắn rác, dịch vụ nội dung (VAS), đã xử phạt hành chính vi phạm dịch vụ VAS 1,85 tỷ đồng, xử phạt vi phạm sim rác 5,6 tỷ đồng.

Gần đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thu hồi 11 tên định danh được sử dụng để phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác; xử phạt vi phạm hành chính 250 triệu đồng đối với 2 doanh nghiệp (Công ty tài chính SMBC và Công ty Suntech) vi phạm sử dụng tên định danh phát tán cuộc gọi rác và bị đình chỉ cung cấp 4 tên định danh trong 2-3 tháng.

Tuy nhiên, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn diễn biến phức tạp… Một trong những nguyên nhân chính là cuộc gọi lừa đảo từ dịch vụ thoại doanh nghiệp, với các phương thức cuộc gọi Sip Trunk (cuộc gọi qua internet với tên định danh brandname) và tổng đài ảo.

Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Trần Văn Phúc lý giải, dịch vụ thoại doanh nghiệp như nêu trên do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp. Các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ - tạm gọi là bên thứ hai - đăng ký sử dụng số điện thoại di động hoặc số điện thoại cố định (có thể lên tới hàng nghìn số thuê bao) với các doanh nghiệp viễn thông. Sau đó bên thứ hai lại ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân khác (bên thứ ba) để cung cấp dịch vụ Sip Trunk, tổng đài ảo để thu lợi. Bên thứ ba có thể ký hợp đồng cung cấp, sử dụng dịch vụ với bên thứ tư… “Việc triển khai theo hình thức trên đã gây khó khăn cho công tác quản lý thông tin thuê bao của các số điện thoại dùng trong dịch vụ”, ông Trần Văn Phúc cho biết.

Chỉ tính riêng năm 2023, tổng số tiền mà người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt trên không gian mạng là từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng, tăng nhiều so với các năm trước đây; trong đó, 91% vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính, từ 73% người dùng thiết bị di động và mạng xã hội.

Cùng chủ động phát hiện, ngăn chặn

Từ áp dụng kinh nghiệm chặn giải pháp chặn cuộc gọi lừa đảo, đại diện Tổng công ty Viễn thông Vietel (thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, đến tháng 10-2024, các cuộc gọi lừa đảo trên mạng Viettel đã giảm 18% so với tháng 3, trong đó, cuộc gọi phát tán nội mạng Viettel giảm mạnh, ngoại mạng có dấu hiệu tăng nhẹ.

Thực tế cho thấy, có 2 loại hình cuộc gọi lừa đảo: Từ thuê bao brandname và từ thuê bao di động. Với cuộc gọi brandname, đến tháng 10 đã giảm 94% so với tháng 3 cùng năm. Nguyên nhân, Viettel áp dụng chặn thuê bao vi phạm và chặn cả brandname khi có dấu hiệu vi phạm bị khách hàng phản ánh lừa đảo (đã chặn 165 brandname; dừng cung cấp dịch vụ Sip Trunk 25 công ty).

Đại diện Viettel kiến nghị, vì Cục An toàn thông tin là đơn vị duy nhất được cấp phát, thu hồi brandname nên khi có hai thuê bao, brandname có dấu hiệu vi phạm lừa đảo thì cần lập tức thu hồi brandname. Ngoài ra, Cục cập nhật vào cơ sở dữ liệu dùng chung và yêu cầu các doanh nghiệp khác ngừng cung cấp dịch vụ với các thuê bao đó.

Với các cuộc gọi lừa đảo, Viettel đề xuất bổ sung giải pháp cho phép cảnh báo tới người nghe (bằng tin nhắn) ngay tại bước đổ chuông với nội dung “đây là cuộc gọi chiều quốc tế từ nước ngoài...". Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cảnh báo khi khách hàng chuyển tiền tới các số tài khoản đã bị phản ánh lừa đảo; cần phối hợp với Bộ Công an xây dựng danh sách các số thuê bao, brandname lừa đảo phục vụ giải quyết khiếu nại của khách hàng.

Cục An toàn thông tin đã xây dựng biện pháp kỹ thuật với bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác, cuộc gọi rác (giúp trung bình chặn 54 triệu tin nhắn rác/tháng) và chia sẻ 463.000 mẫu tin nhắn rác dùng chung. Đồng thời, Cục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) vào các hệ thống kỹ thuật để chủ động phát hiện và ngăn chặn hiệu quả tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác; về hoạt động đăng ký, lưu trữ, sử dụng thông tin thuê bao di động, đặc biệt đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng sim điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường, mục đích sử dụng không rõ ràng, không phù hợp với nhu cầu thực tế… Các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang thanh tra 4 doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ cố định: VTC, HTC, Itel và Gtel trong quý IV-2024. Đoàn thanh tra cũng đã thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về cuộc gọi rác dịch vụ điện thoại cố định tại Tổng công ty công nghệ - viễn thông Toàn Cầu (Gtel) trong 10 ngày...