Xã hội

Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai

Bảo Châu 20/11/2024 - 07:16

Siêu bão Yagi (bão số 3) đi qua để lại cho các địa phương của Hà Nội nhiều bài học kinh nghiệm, cũng như qua đó xác định một số bất cập trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Để giảm tổn thất trước diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, thích ứng biến đổi khí hậu, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho cộng đồng.

luc-luong-xung-kich-phong-.jpg
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) diễn tập xử lý tình huống sạt mái đê hữu Hồng.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Nam Phương Tiến là một trong 4 xã thuộc vùng “rốn lũ” của huyện Chương Mỹ. Trong cơn bão số 3, Nam Phương Tiến có 875 hộ dân với 4.057 nhân khẩu bị ngập lụt sâu.

Theo Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, gần một tháng chìm trong biển nước, xã không có người chết vì đuối nước, điện giật, không có người bị thiếu cơm ăn, nước uống, thiếu nơi ở. Trên địa bàn xã không phát sinh ổ dịch bệnh nguy hiểm hoặc xảy ra các vụ trộm cắp tài sản...

Có được kết quả này, ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ, địa phương đã di dời toàn bộ số hộ bị ngập lụt sâu đến sinh hoạt tại 5 điểm sơ tán tập trung. Đồng thời, phân công lực lượng an ninh cơ sở thường xuyên tuần tra, bảo vệ tài sản của người dân đi sơ tán và ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá, vớt gỗ củi trên sông; quản lý chặt chẽ các thuyền, bè tự phát đi lại những khu vực ngập lụt...

Tương tự, xã Hợp Thanh cũng là “rốn lũ” của huyện Mỹ Đức. Trong cơn bão số 3 vừa qua, xã có 820 hộ dân với 3.974 nhân khẩu bị ngập lụt sâu nhưng không tổn thất về người, bảo đảm đời sống, vệ sinh môi trường... Chủ tịch UBND xã Hợp Thanh Hoàng Văn Hai cho biết, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, xã chỉ đạo các lực lượng xung kích hỗ trợ người dân kê cao tài sản, sơ tán toàn bộ hộ dân nằm trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các mối nguy hiểm, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; vận động hỗ trợ người dân bị ngập lụt. Ngành Điện cũng thực hiện ngừng cung cấp Điện sinh hoạt đối với các hộ bị ngập sâu...

Theo các đơn vị, địa phương, hoàn lưu bão số 3 gây ra đợt mưa lũ, ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân thì thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa. Tuy nhiên, các địa phương đã nghiêm túc chỉ ra một số bất cập gây tổn thất về người và tài sản, như: Cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Một số địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn sơ sài, chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị “4 tại chỗ”, nhất là vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai. Một số người dân còn chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức

Để giảm tổn thất, xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Thực hiện chỉ đạo trên, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp tuyên truyền phòng ngừa vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi; diễn tập thực hành xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai... Thông qua hoạt động này, ý thức, trách nhiệm của người dân, cán bộ cấp cơ sở đã có chuyển biến.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sau buổi tuyên truyền phòng ngừa vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi tại xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) ngày 12-6-2024, bà Hoàng Thị Ngãi, người dân địa phương cho biết, hơn 40 năm nay, sông Đà không xuất hiện lũ lớn, nên một số người có tư tưởng chủ quan, phó mặc trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi cho các cấp chính quyền...

“Thông qua buổi tuyên truyền này, chúng tôi hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình và sẽ có hành động thiết thực bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai. Buổi tuyên truyền cũng giúp chúng tôi biết thêm đặc điểm thiên tai nơi mình đang sống, từ đó cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, qua đó nắm bắt được mức độ ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tuân thủ hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp về phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn...”, bà Hoàng Thị Ngãi nói.

Đánh giá về cuộc diễn tập thực hành xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai tại xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) ngày 1-11-2024, Phó Chủ tịch UBND xã Sen Phương Phùng Văn Dũng cho biết, địa phương đã rút ra nhiều bài học, nhất là công tác phối hợp và phân công lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát ẩn họa trong thân đê, xử lý giờ đầu các sự cố, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyến đê. Thông qua diễn tập, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá đúng khả năng sẵn sàng ứng phó, xử lý các sự cố đê điều, tình huống thiên tai của các lực lượng liên quan. Bên cạnh đó, ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai được nâng lên; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và khả năng hiệp đồng của các ban, ngành, đoàn thể địa phương trên địa bàn được củng cố...

Là một trong hơn 100 người dân xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) tham gia buổi diễn tập xử lý một số tình huống trong công tác phòng, chống thiên tai, ông Phùng Văn Mạnh cho biết, người dân ở đây đã học được các kỹ thuật phát hiện, xử lý sự cố thẩm lậu, mạch đùn, mạch sủi, chống tràn đê. Bà con cũng học được cách di chuyển người ra khỏi vùng nguy hiểm và cứu người trong tình huống khẩn cấp...

Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, trái quy luật, do đó, tăng cường đầu tư công trình và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân là giải pháp quan trọng, cấp thiết...