Góc nhìn

Chính sách kịp thời, ý nghĩa

Bắc Vũ 20/11/2024 - 06:53

Đối với nông nghiệp, nông thôn, thành phố Hà Nội luôn quan tâm ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích lĩnh vực này phát triển, hướng tới giá trị an toàn, bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trên quan điểm xuyên suốt này, sáng qua (19-11), tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ mười chín), HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua nghị quyết hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão năm 2024.

Quyết nghị này là rất kịp thời, phù hợp trong bối cảnh bão số 3 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Điều đáng chú ý là chính sách mới nhằm hỗ trợ nông dân đang sản xuất một số chủng loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (cây quất cảnh, cây đào cảnh, cây phật thủ, cây cảnh, chim cút, chim bồ câu…) bị thiệt hại nặng nề do thiên tai nhưng chưa được quy định cụ thể về mức hỗ trợ tại Nghị định số 02/2017/NĐCP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11-4-2019 của UBND thành phố về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cùng với chính sách mới này, trước đó, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão như: Tập trung các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục hậu quả sau bão, xử lý môi trường, quản lý, chăm sóc diện tích cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng, phòng trừ dịch bệnh, phục hồi sản xuất… Đặc biệt, thành phố triển khai ngay việc hỗ trợ phục hồi sản xuất theo quy định hiện hành tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố; đồng thời bổ sung nguồn vốn ưu đãi qua các tổ chức tín dụng để người dân vay vốn khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ ban hành kịp thời cơ chế, chính sách trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, bão lũ; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được thành phố quan tâm dành cho nhiều chính sách hỗ trợ phát triển. Điển hình là tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội. Trong đó, nội dung nổi bật là thành phố đầu tư tổng kinh phí khoảng 1.124 tỷ đồng/năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ về: Tập huấn kỹ thuật sản xuất; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp… Hiện các chính sách hỗ trợ này đã, đang phát huy hiệu quả trong cuộc sống, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn Thủ đô.

Phải khẳng định, các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được thành phố ban hành đều đáp ứng tốt trong bối cảnh phát sinh đột xuất hoặc bảo đảm tính xuyên suốt, ổn định. Đây là những cơ sở quan trọng để các cấp, ngành, địa phương của thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả, đạt các mục tiêu đặt ra tại Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách nói trên, ngoài mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nông dân, các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần lồng ghép các điều kiện cụ thể để hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững và chuyển đổi tư duy phát triển nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới giá trị an toàn và bền vững.