Chuyển đổi số trong nông nghiệp: “Chìa khóa” để quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm của sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ứng dụng từ sản xuất đến tiêu thụ
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền, hiện hợp tác xã triển khai 2 mô hình sản xuất lúa và trồng bưởi Diễn theo hướng hữu cơ. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đơn vị đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý, giám sát. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng. Thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử eGAP… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất. Người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh. Nhờ đó, hợp tác xã có thể kiểm soát được nguồn gốc điện tử cho từng hộ, từng thửa ruộng.
Giúp đỡ nông dân, hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn thành phố, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, cán bộ ngành Nông nghiệp, cán bộ khuyến nông về chuyển đổi số trong nông nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ số cho đối tượng là lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp; chủ trang trại, nông dân tiêu biểu… Ngoài ra, trung tâm tổ chức các hội thảo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trực tuyến, kết nối doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ tiêu thụ cho người sản xuất. Tổ chức các diễn đàn Khuyến nông @ "Nhịp cầu nhà nông" trực tuyến, nhằm kết nối nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã với các nhà khoa học, quản lý, giúp người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, đường lối, chính sách để áp dụng vào sản xuất…
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản; đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản, thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn)…
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Sở còn tham mưu một số các ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu, như: Phần mềm quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp thuộc nghiệp vụ đánh giá thực trạng chất lượng và giải pháp sử dụng bền vững đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; cơ sở dữ liệu về thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ cơ sở dữ liệu về môi trường trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng cơ sở dữ liệu nhận biết nhanh các loài thú hoang dã; hệ thống giám sát, cảnh báo sớm cháy rừng thông minh; cơ sở dữ liệu trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y trên địa bàn thành phố Hà Nội… Việc ứng dụng tự động hóa và công nghệ số trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí lao động và bảo đảm an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể, nên bước đầu triển khai còn lúng túng. Việc ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản như việc áp dụng IoT (internet vạn vật), cảm biến trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất chưa được nhiều… do sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán. Nguồn nhân lực, vốn đầu tư khi tham gia vào công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hạn chế. Trong khi đó, chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn, lâu dài, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực cùng tham gia của tất cả chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp…
Để tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục tham mưu thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội các chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp, kịp thời; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, trung tâm còn tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ khuyến nông, hợp tác xã, hộ sản xuất… trên địa bàn; giới thiệu mô hình điển hình về ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt công nghệ số vào sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, Sở đã đề nghị Bộ NN&PTNT nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý cấp địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ngành để hướng dẫn các địa phương xây dựng, tích hợp chung, cùng khai thác, phục vụ trong công tác quản lý. Đồng thời, định hướng các công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ nâng cao giá trị cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản phù hợp với thực tiễn, thực trạng của ngành Nông nghiệp.