Nghị quyết và Cuộc sống

Đổi mới, sáng tạo trong giải quyết việc mới, việc khó ở Tây Hồ

Hương Ly 19/11/2024 - 18:41

Đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, sát thực tiễn gắn với giải quyết những việc “nóng”, việc khó, việc mới tại địa phương là cách làm mà Đảng bộ quận Tây Hồ đã lựa chọn. Kết quả giám sát do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ vừa công bố cho thấy, trong 151 nội dung đăng ký giải quyết việc khó năm 2023, có 97 nội dung hoàn thành xuất sắc, đạt tỷ lệ 63,58%.

Quận Tây Hồ cũng đặt mục tiêu tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Kịp thời giải quyết việc "nóng", việc khó

Cụm di tích chùa Mật Dụng và đình Đông Xã thuộc tổ dân phố số 6 và 7 (phường Bưởi, quận Tây Hồ) nhiều năm nay đã tồn tại tình trạng lấn chiếm đất để kinh doanh và làm nhà ở. Những vi phạm này đã được cử tri và nhân dân quận Tây Hồ kiến nghị các cấp, ngành xử lý trong nhiều năm, trải qua nhiều nhiệm kỳ, song chưa được giải quyết.

Xuất phát từ thực tiễn của địa phương, Bí thư Đảng ủy phường Bưởi Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã đăng ký đảm nhận giải quyết việc khó thông qua công tác vận động các hộ dân trả lại mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Mật Dụng. Trực tiếp Bí thư Đảng ủy phường đã gặp riêng từng hộ dân để làm công tác tư tưởng, phân tích các quy định của pháp luật về đất đai, tầm quan trọng của công tác tôn giáo, giá trị của di tích, nhu cầu tâm linh của người dân để các hộ dân hiểu. Sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, các hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho UBND phường thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích chùa Mật Dụng, đình Đông Xã.

Việc đăng ký đảm nhận việc "nóng”, việc khó là một trong những cách làm linh hoạt, sáng tạo đã được Quận ủy Tây Hồ chỉ đạo thực hiện và đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Quận ủy Tây Hồ, UBND quận đã quyết tâm giải quyết triệt để một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp kéo dài nhiều năm là di chuyển toàn bộ phương tiện vận tải thủy cũ nát ra khỏi khu vực hồ Tây, trả lại cảnh quan sạch đẹp cho thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.

chua-mat-dung-.jpeg
Di tích chùa Mật Dụng (phường Bưởi, quận Tây Hồ). Ảnh: Nguyên Anh

Cùng với việc đăng ký giải quyết những việc khó khăn, phức tạp tồn đọng, các cấp ủy, chính quyền quận Tây Hồ cũng giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Như cuối tháng 10 vừa qua, trước tình trạng cá chết nổi trên hồ Tây vào thời điểm giao mùa, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân khu vực ven hồ, UBND quận đã kịp thời kiến nghị thành phố cho phép đánh tỉa bớt lượng cá ngoại lai, giảm mật độ cá nhằm khắc phục tình trạng cá chết dịp giao mùa (tháng 10 hằng năm). Đề xuất này của quận Tây Hồ đã được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương và giao các ngành chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Đáng chú ý, bão số 3 - Yagi đổ bộ vào Hà Nội gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ trồng đào, quất cảnh trên địa bàn quận, trong đó, riêng các hộ trồng đào thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng, trồng quất là 25 tỷ đồng… Trước tình hình này, trung tuần tháng 10 vừa qua, HĐND quận Tây Hồ đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương ủy thác ngân sách qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng trên cương vị đại biểu HĐND thành phố đã nêu vấn đề hỗ trợ nông dân bị thiệt hại nặng nề do bão số 3, trong đó có người trồng đào, quất quận Tây Hồ. Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, quận Tây Hồ đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với cây đào và 90 triệu đồng/ha với cây quất. Đề xuất của quận Tây Hồ được HĐND thành phố ghi nhận, xem xét để trình cơ chế đặc thù, tăng thêm so với quy định của Chính phủ và UBND thành phố, hướng đến mức hỗ trợ thỏa đáng, giúp người dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn.

Giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện

Tại cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận Tây Hồ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện nhân dân vừa diễn ra ngày 7-11-2024, các đại biểu đã ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Tây Hồ trong việc xử lý những việc khó, việc mới chưa có tiền lệ tại địa phương.

Tổ trưởng tổ dân phố số 14 phường Bưởi Phạm Hồng Quang đã đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai thực hiện Chương trình số 03 của Quận ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội. Trong khi đó, Tổ trưởng tổ dân phố số 7 phường Nhật Tân Đỗ Văn Hiền ghi nhận sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc hỗ trợ người dân trồng đào, quất khắc phục hậu quả do cơ bão số 3 gây ra. Các đại biểu cũng ghi nhận sự vào cuộc của UBND quận, Ban Quản lý hồ Tây trong việc kịp thời xử lý các vấn đề về môi trường do cá chết vào thời điểm giao mùa, đồng thời, kiến nghị quận đề xuất thành phố giải quyết triệt để tình trạng này.

th-qc-doi-thoai-.jpeg
Hội nghị đối thoại giữa Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND, UBND quận Tây Hồ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện nhân dân năm 2024. Ảnh: Hương Ly

Những ý kiến ghi nhận của nhân dân về việc giải quyết việc khó, việc mới, thậm chí chưa có tiền lệ trên địa bàn quận Tây Hồ chính là thước đo hiệu quả nhất, minh chứng cho hiệu quả từ việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trên địa bàn quận Tây Hồ.

Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, bám sát các nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trong đó có việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành Chương trình số 01-CTr/QU ngày 19-10-2020 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ quận; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2020-2025”, trong đó chỉ rõ mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng...”.

th-nguoi-dan-.jpeg
Người dân quận Tây Hồ phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Ảnh: Hương Ly

Trên cơ sở đó, Quận ủy Tây Hồ đã nghiên cứu, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành nghị quyết theo hướng chỉ ban hành nghị quyết mới có tính chuyên đề và khi thực sự cần thiết. Nổi bật, Quận ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa và công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng; tập trung xây dựng các đề án về phát triển làng nghề truyền thống, đề án bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; tăng cường tiếp dân, đối thoại với nhân dân, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh... Đặc biệt, quận giao cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ chủ chốt đăng ký đảm nhận việc mới, việc khó thuộc thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ được giao.

“Nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo, những năm qua, quận Tây Hồ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, được Ban Thường vụ Thành ủy và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn ghi nhận. Qua đó cũng khẳng định những hiệu quả rõ nét mà Đảng bộ quận Tây Hồ đã thực hiện trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo và đưa nghị quyết vào cuộc sống”, Bí thư Quận ủy Tây Hồ chia sẻ.

Tuy nhiên, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số cấp ủy còn nhận thức chưa sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh tại địa phương… Thực tế trên đòi hỏi các cấp ủy phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, quyết tâm tạo bước đột phá cho địa phương phát triển.

Thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc, chương trình công tác; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Đặc biệt, quận sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận trong việc giám sát thực hiện giải quyết việc khó do người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đăng ký thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét khi triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong năm 2022 và 2023, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tây Hồ đã thực hiện giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao của các đồng chí cán bộ chủ chốt quận Tây Hồ. Năm 2023, cơ quan này đã giám sát đối với 67 đồng chí cán bộ chủ chốt cấp quận, trong đó có 37 đồng chí là quận ủy viên. Trong tổng số 151 nội dung đăng ký được giám sát, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc ở 97 nội dung (đạt 63,58%); hoàn thành tốt ở 52 nội dung (đạt 35,10%); 2 nội dung ở mức hoàn thành (1,32%).