Thêm hiểu thơ ca về biên cương Tổ quốc
Sách - Ngày đăng : 08:02, 25/09/2022
“Nơi biên cương Tổ quốc” dày 254 trang, tuyển 32 bài thơ của 32 tác giả, từ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, như: Tố Hữu, Quang Dũng, Chính Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy…
Nói đến biên cương là nói đến phần đất thiêng liêng, miền phên giậu của Tổ quốc, đây cũng là cội nguồn những cảm xúc thi ca. Năm 1077, khi đánh quân Tống trên sông Cầu, Lý Thường Kiệt đã dùng “thơ thần” để khẳng định cương vực nước Nam và làm nản lòng quân giặc: “Núi sông Nam Việt vua Nam ở/Vằng vặc sách trời chia xứ sở/Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.
Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Du đi sứ phương Bắc, khi qua Quỷ Môn Quan, nơi Liễu Thăng tử trận, nhà thơ nêu câu hỏi và lời thơ dịch là: “Bên đường gió lạnh luồng xương trắng, Hán tướng công gì kể bấy nay?”. Năm 2002, nhà thơ Nguyễn Văn Chương khi qua ải này cũng hỏi: “Xe đêm qua ải Chi Lăng/Nơi nào tướng giặc Liễu Thăng bay đầu?”.
Năm 1941, sau 30 năm ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ về đến căn cứ địa Pác Bó (Cao Bằng) cách cột mốc 108 không xa. Trước cảnh nước non vùng biên giới vô cùng tươi đẹp, Bác đã làm bài thơ tứ tuyệt rất hàm súc: “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê Nin, kia núi Mác/Hai tay gây dựng một sơn hà”.
Những bài thơ nêu trên, từ lâu đã quá quen thuộc với các tầng lớp người Việt Nam, nhưng nay đọc qua sách của tác giả Nguyễn Thị Thiện, độc giả rất thú vị với phát hiện: “Những thi phẩm đó khẳng định đanh thép cương vực lãnh thổ nước Nam” (trích lời giới thiệu của Hoài Khánh).
Cương thổ nước Nam là vô cùng thiêng liêng và gần gũi. Khi biên cương bị xâm lấn, con gái nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã “gác bút nghiên” tình nguyện lên biên giới tham gia phục vụ chiến đấu ở nơi “Giặc tràn sang đến ngọn cỏ cũng đau”. Nhà thơ mường tượng: “Tay con gái mười ngón mềm thon nhỏ/Thúc xà beng tóe lửa xẻ chiến hào”.
Nói về sự chia ly, ấp ủ bao nhớ thương, trong thơ cổ, có bài thơ nói về tình cảm lứa đôi thông qua một dòng sông, đại ý rằng, chồng ở đầu sông, vợ ở cuối sông, hằng ngày, hai người cùng uống chung dòng nước của con sông, lòng luôn thương nhớ nhau mà chẳng nhìn thấy mặt nhau, thương quá! Thơ xưa chỉ bộc lộ nỗi nhớ mong khắc khoải, đau khổ và bi lụy, còn ngày nay, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhà thơ Dương Soái, tiếp thu phần nào ý tứ của người xưa (hay là sự trùng hợp ngẫu nhiên) đã viết bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” phản ánh tình cảm lứa đôi với bao nhớ nhung và chứa chan hy vọng.
Ở đây, “Sông Hồng đã được nhân cách hóa vừa như chứng nhân, vừa làm nền để các nhân vật trữ tình anh và em bộc lộ nỗi niềm. Có những lúc “Nỗi nhớ em chưa viết được đôi dòng”, thì quân thù quấy nhiễu nên anh lại lên tuyến đầu bảo vệ biên cương. Mỗi ngày có chút thời gian nghỉ giữa các trận đánh là anh lại xuống sông Hồng cho thỏa nỗi em mong” - lời bình của tác giả Nguyễn Thị Thiện.
Đọc 32 bài thơ viết về biên cương tuyển trong sách thấy rõ, nhà văn Nguyễn Thị Thiện có khả năng thẩm định thơ khá tinh tế. Các bài thơ được tuyển trải dài trong thời gian 800 năm, mỗi bài đều thấp thoáng trong đó sự khốc liệt của chiến tranh. Bên cạnh đó, độc giả vẫn thấy nét trữ tình, lãng mạn và một số bài đượm chất anh hùng ca. Ở lời bình, bà đã dày công tìm được những nét riêng khó trộn lẫn của mỗi tác giả nên khi đọc tránh được cảm giác đơn điệu.
Nhà văn Nguyễn Thị Thiện đã tuyển thơ và viết lời bình với các tác phẩm: “Trang thơ trang đời” (năm 2017), “Tình quê tình người” (2 tập - năm 2018, 2019), “Thơ dâng mẹ” và “Quê hương Việt Nam” (cùng năm 2020), “Tình cha con” (năm 2021), “Nơi biên cương Tổ quốc” (năm 2022). “Ấn phẩm “Nơi biên cương Tổ quốc” của bà vừa ra đời có thể coi như một tuyển tập đầu tiên về biên giới” - lời giới thiệu của Hoài Khánh.