Chấm điểm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Gia Lâm
Sáng 19-11, Đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc, chấm điểm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2024 tại huyện Gia Lâm.
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, trên địa bàn huyện hiện có 4.407 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị và 25 chợ, trong đó ngành Công Thương quản lý 385 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 2.869 cơ sở và ngành Y tế quản lý 1.153 cơ sở. Tổng số cơ sở thuộc thẩm quyền huyện và các xã quản lý là 4.263 và 144 cơ sở do thành phố quản lý.
Tính từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, các đoàn kiểm tra của huyện và các xã, thị trấn đã kiểm tra được 3.841/3.983 cơ sở (đạt tỷ lệ 96,43%). Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 142 cơ sở với số tiền 389,15 triệu đồng.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh, thực phẩm thường mắc phải các lỗi vi phạm chủ yếu như: Không thực hiện kiểm thực ba bước; không lưu mẫu thức ăn theo quy định; không có lưới chắn côn trùng, động vật gây hại, thùng rác không có lắp đậy; người chế biến, sản xuất tiếp xúc với thực phẩm không có găng tay, trang phục bảo hộ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc; không có đầy đủ giá kệ...
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành xử lý tiêu huỷ các sản phẩm vi phạm, gồm: Hơn 2.500 chiếc bánh ngọt các loại, 404 chiếc bánh trung thu, 60 kg nầm lợn đông lạnh; 20 thùng bột chiên gà (12 kg/thùng); hơn 500 hộp bánh kẹo các loại, 680 gói lương khô mini, 200 lít rượu các loại, 100 kg mực đông lạnh, 170 kg khoai tây đông lạnh.
Dự kiến đến hết tháng 12-2024, các đoàn kiểm tra của huyện sẽ thực hiện kiểm tra đạt tỷ lệ 100% số cơ sở trên địa bàn.
Về công tác giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm thực phẩm trên địa bàn; tuyến huyện đã lấy 172 mẫu thực phẩm gửi labo (gồm: 91 mẫu rau, 15 mẫu thịt và sản phẩm từ thịt, 6 mẫu trái cây, 35 mẫu nước, 10 mẫu thịt, 10 mẫu rau củ, 5 mâu trái cây). Hiện đã có kết quả 154/172 mẫu đều bảo đảm an toàn thực phẩm với các chỉ tiêu được phân tích.
Đối với tuyến xã, số mẫu xét nghiệm nhanh 1.268 mẫu (mẫu chủ yếu tại các bữa cỗ tập trung đông người và mẫu thức ăn đường phố); kết quả 1.121/1268 mẫu âm tính, 147 mẫu phát hiện dương tính với tinh bột (bát, dụng cụ được rửa chưa sạch có bám tinh bột).
Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các đơn vị duy trì công tác giám sát ngộ độc thực phẩm tại cộng đồng, cơ sở giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn huyện. Đồng thời, xây dựng phương án bảo đảm an toàn thực phẩm, sẵn sàng đáp ứng khi có sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra; hướng dẫn các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị quy trình điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Nhờ đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm nên trong năm 2024, trên địa bàn huyện Gia Lâm không xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Dựa theo Bảng tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã theo hướng dẫn số 4021/HD-SYT ngày 7-9-2023 của Sở Y tế Hà Nội, đoàn phúc tra kết quả đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội đã thống nhất chấm công tác an toàn thực phẩm của huyện Gia Lâm năm 2024 đạt 95 điểm, loại xuất sắc.
Kết luận buổi làm việc, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của UBND huyện Gia Lâm trong công tác triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm 2024 thông qua việc tích cực triển khai công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.
Đồng thời, ông Đặng Thanh Phong yêu cầu, huyện Gia Lâm cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học, nhất là tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc bếp ăn tập thể trường học, các khu vực kinh doanh, chế biến thực phẩm xung quanh cổng trường và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp.