Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo bảo đảm an toàn đập hồ chứa nước
Ngày 19-11, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, bảo đảm vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới”.
Diễn đàn tổ chức theo hình thức trực tiếp tại thành phố Hà Nội với khoảng 150 đại biểu và 100 điểm cầu trực tuyến thuộc Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam và một số đơn vị quản lý, vận hành đập, hồ thủy lợi...
Thông tin tại diễn đàn, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Đỗ Văn Thành cho biết, trên địa bàn cả nước hiện có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi (trong đó có 592 đập dâng, 6.723 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ mét khối. Các hồ chứa thủy lợi đang làm nhiệm vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp cho khoảng 1,1 triệu hécta; cắt giảm lũ cho hạ du khoảng 1,5 tỷ mét khối; cấp khoảng 1,5 tỷ mét khối nước cho sinh hoạt và công nghiệp, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch…
Tuy nhiên, nhiều đập, hồ chứa thủy lợi đã xây dựng trên 30 năm. Hiện cả nước còn 340 hồ chứa bị hư hỏng nặng (trong đó có 43 hồ lớn, 95 hồ vừa, 202 hồ nhỏ) chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa nâng cấp…
Về công tác quản lý, vận hành, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Lương Văn Anh đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, như: Nhiều hồ chứa lớn chưa được lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, thiết bị giám sát vận hành hồ chứa. 6 tỉnh chưa thành lập hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý. Nhiều huyện, xã chưa thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở để quản lý, khai thác công trình theo quy định…
Tham luận tại diễn đàn, các nhà khoa học, lãnh đạo tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ về xây dựng công trình, hoàn thiện chính sách… Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong thời gian tới là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công cụ hỗ trợ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo trong việc ra quyết định trong vận hành an toàn đập, hồ chứa là cần thiết để chủ động dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp, bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu…