Danh nhân Phạm Thận Duật và quê hương Yên Mạc
Phạm Thận Duật (1825 - 1885), quê ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, là một vị quan đại thần triều Nguyễn, đồng thời là một nhà văn hóa, nhà sử học nổi tiếng đương thời. Tên của ông được đặt cho một con phố tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Người anh hùng của quê hương
Phạm Thận Duật xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 25 tuổi ông đỗ Cử nhân kỳ thi Hương trường Nam năm Canh Tuất (1850). Vì nhà nghèo, không theo được con đường khoa cử nên ông nhận một chức quan nhỏ ở vùng rừng núi xa xôi để có lương ăn và phụng dưỡng mẹ già. Cuốn sách đầu tay “Hưng Hóa ký lược” của ông được xem như công trình nghiên cứu địa chí đầu tiên ở Việt Nam. Ông được triều đình cử nắm giữ nhiều vị trí, kinh qua các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao. Làm Tuần phủ Hà Nội, ông kiêm nhiệm chức Hà đê sứ, lo trị thủy sông Hồng. Năm 1878, ông được sung vào Viện Cơ mật kiêm việc dạy học cho hai hoàng tử con nuôi vua Tự Đức, sau lại vào Quốc sử quán nhận trọng trách biên tập, duyệt in “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Năm 1884, ông thừa lệnh vua nhận nhiệm vụ Toàn quyền đại thần ký Hòa ước Giáp Thân 1884 (Hòa ước Patenotre) với mong muốn tiết kiệm xương máu nhân dân. Nhưng cũng chính vì hòa ước này mà ông bị lên án gay gắt. Thực tâm, văn thân Phạm Thận Duật là một vị quan chủ chiến, không chủ hòa. Sau khi kinh thành Huế thất thủ, Phạm Thận Duật cùng Tôn Thất Thuyết bí mật rời Huế, hộ giá vua Hàm Nghi khi đó mới 13 tuổi ra Bắc lập căn cứ địa. Ông được vua Hàm Nghi ủy quyền khởi thảo “Chiếu cần vương” phát động phong trào chống Pháp, tổ chức lực lượng, cầu viện nhà Thanh, vận động sĩ phu Bắc Hà dựng cờ Cần vương khởi nghĩa. Khi bị bắt, ông đã từ chối mọi lời dụ dỗ, chiêu hồi, bất hợp tác với triều vua mới. Ông bị giặc Pháp giam ở nhà tù Côn Đảo một tháng rồi đày biệt xứ ở đảo Tahiti. Trên hải trình dài ngày, ông bị bệnh rồi qua đời trên vùng biển Malaysia. Ở đất Yên Mạc hiện chỉ có ngôi mộ gió và ngôi đền tưởng nhớ người anh hùng của quê hương.
Tiếp nối truyền thống
Mang niềm tự hào vì Hà Nội có con phố mang tên Phạm Thận Duật, những người con quê hương Yên Mạc 30 năm qua đã nỗ lực lao động, cống hiến cho đời sống kinh tế xã hội, văn hóa của Thủ đô và đất nước. Trong Hội Đồng hương Yên Mạc tại Hà Nội có không ít doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, nhà giáo ưu tú, sĩ quan quân đội cấp cao...
Yên Mạc là đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi nguồn những kênh đào từ thời Tiền Lê. Kênh Nhà Lê là hệ thống kênh đào cổ hình thành từ thời vua Lê Đại Hành để kết nối giao thông thủy từ kinh đô Hoa Lư tới Đèo Ngang - biên giới giữa Đại Cồ Việt với Chăm Pa, nhằm mục đích vận tải quân lương, mở rộng lãnh thổ và phát triển kinh tế nông nghiệp. Kênh Nhà Lê là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển đất nước của người Việt. Ngày 2-10-1407, chính trên mảnh đất Yên Mạc này, Trần Giản Định đã làm lễ đăng quang lên ngôi vua rồi tụ quân khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, mở ra giai đoạn lịch sử hậu Trần. Quãng nửa sau thế kỷ XVI, nơi đây đã diễn ra những trận giao tranh ác liệt của các đạo quân hai triều Lê - Mạc. Bước vào thời cận đại, ngoài Phạm Thận Duật, Yên Mạc góp cho triều đình nhà Nguyễn một văn thân yêu nước là quan ngự sử Vũ Phạm Khải, chính là thầy của Phạm Thận Duật. Cả hai thầy trò Vũ Phạm Khải - Phạm Thận Duật trong triều Nguyễn đều đứng về phe chủ chiến.
Trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Yên Mạc là ngôi làng kháng chiến, thuộc vùng tranh chấp giữa ta và địch. Có thời kỳ trong một thôn quân Pháp dựng tới 7 lô cốt, bốt canh. Trong kháng chiến chống Mỹ, Yên Mạc là một xã điển hình của phong trào Thanh niên xung phong và thanh niên tòng quân nhập ngũ và được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.
Giữa thôn Đông Sơn của xã Yên Mạc có ngôi đền “Văn từ hàng huyện” đã bị giặc Pháp phá hủy nhằm trả thù những người du kích. Hiện chỉ còn tấm bia đá văn chỉ sót lại vẫn nguyên nét chữ vinh danh 68 văn nhân thi đỗ từ Sinh đồ đến Cử nhân, Tiến sĩ. Hội Đồng hương Yên Mạc đã mời các chuyên gia của Viện Hán Nôm và ngành Văn hóa tiến hành khảo sát di tích văn từ. Trên cơ sở các kết quả khảo sát và đánh giá tông thể khu di tích, chính quyền xã Yên Mạc và huyện Yên Mô đã lên kế hoạch phục dựng Văn từ.
Ý thức về truyền thống khoa bảng của quê nhà, Hội Đồng hương Yên Mạc đã thành lập Hội Khuyến học. Các thành viên đã đóng góp 4 tỷ đồng xây dựng nhà Hiệu bộ cho Trường Tiểu học Phạm Thận Duật, tu bổ Trường Phổ thông Trung học Vũ Phạm Khải. Nhiều thành viên trong Hội đã gửi về quê hàng chục máy tính để trang bị cho thầy trò hai trường. Hằng năm Hội Đồng hương đã hỗ trợ hàng chục suất học bổng khuyến học, tặng quà các học sinh giỏi, tặng hàng chục xe đạp cho các cháu đi học đường xa, đồng thời vinh danh các giáo viên có nhiều thành tích trong giảng dạy, quản lý giáo dục. Mỗi năm Hội cung cấp cho hai trường một hệ thống tài liệu sách tham khảo và hướng dẫn giảng dạy trị giá khoảng 10 triệu đồng. Có gia đình đã bỏ tiền mua sắm hệ thống máy lọc nước cho Trường Tiểu học Phạm Thận Duật để học sinh không phải đem nước uống đến trường. Hình ảnh các đại biểu của Hội Đồng hương về trao học bổng, tặng quà, khen thưởng hằng năm đã trở thành hình ảnh quen thuộc, không thể thiếu trong các lễ khai giảng đầu năm học mới. Hội Đồng hương cũng đã biên soạn, xuất bản kỷ yếu nhằm hỗ trợ cho việc biên soạn giáo án môn học Lịch sử địa phương của hai trường ở Yên Mạc.
Cùng với hoạt động khuyến học, Hội Đồng hương Yên Mạc ở Hà Nội còn tích cực đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa chung của 13 thôn trong xã. Tuyến đê Hồng Đức có từ thời Lê Thánh Tông dài mấy cây số đã được Hội quyên góp tiền, xin tài trợ nâng cấp và bê tông hóa trở thành trục giao thông liên huyện. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa trong xã đã được bà con góp tiền cung tiến, tu bổ. Các gia đình nghèo khó, cô đơn cũng được Hội thăm hỏi, tặng quà…
Hơn chục năm qua, vào cuối tháng Mười âm lịch, dịp lễ giỗ danh nhân Phạm Thận Duật, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại vẳng tiếng chuông ngân. Đó là chuông thỉnh cầu danh nhân Phạm Thận Duật, người có thời giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán, kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Đó cũng là tiếng chuông mở màn Lễ trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho 5 tiến sĩ đã bảo vệ xuất sắc nhất luận án chuyên ngành lịch sử trong năm, từ nguồn Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật do cố Chủ tịch Hội Đồng hương Yên Mạc Phạm Đình Nhân gây dựng. Sau 24 năm thành lập, Quỹ đã mở rộng các hoạt động khuyến học, khuyến tài giáo dục trong cả nước. Dự lễ tưởng niệm và trao giải thưởng, những người con của mảnh đất Yên Mạc đều cảm thấy xúc động, tự hào về vị danh nhân của quê hương và ý thức hơn trách nhiệm xã hội của mình để xứng đáng là một công dân Thủ đô gốc quê Yên Mạc.