Bền bỉ “gieo mầm” văn hóa đọc ở ngoại thành
Thư viện là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng, không gian nuôi dưỡng văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho người dân.
Tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, chính quyền địa phương đã có những cách làm sáng tạo để kéo thêm độc giả đến với niềm say mê kiếm tìm tri thức.
Lan tỏa tình yêu với sách
Xã Trạch Mỹ Lộc từ lâu là một điển hình của huyện Phúc Thọ trong công tác xây dựng nông thôn mới. Không chỉ vậy, vùng đất bán sơn địa với những đặc trưng văn hóa xứ Đoài còn là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Trạch Mỹ Lộc đã có những nông dân kiên trung, bất chấp nguy hiểm, gian khổ nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng gây dựng cơ sở kháng chiến.
Ít ai biết, xã Trạch Mỹ Lộc nhiều năm nay còn là một miền quê hiếu học, nơi có những thư viện hoạt động hiệu quả như Tủ sách văn hóa thôn Thuần Mỹ, Tủ sách văn hóa thôn Mỹ Giang, Thư viện Hiểu và Thương (nằm trên đường 418 đoạn qua thôn Thuần Mỹ)... Điểm đáng mừng là mỗi ngày sau giờ tan học, dịp cuối tuần, đặc biệt là vào những ngày hè, hệ thống thư viện làng được học sinh đủ mọi lứa tuổi tìm đến. Nhờ đọc sách, nhiều em đã có thành tích học tập tốt và thi đỗ vào đại học danh tiếng. Tính riêng năm 2023 - 2024, Hội Khuyến học xã Trạch Mỹ Lộc đã khen thưởng cho gần 50 học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc.
Tại xã Văn Bình (huyện Thường Tín) lâu nay cũng có một thư viện cấp thôn hoạt động khá hiệu quả. Ông Dương Văn Phi, Chủ nhiệm Thư viện thôn Bình Vọng chia sẻ, thư viện có quyết định thành lập từ năm 1999. Gần 10 năm đầu thành lập, Thư viện thôn Bình Vọng hoạt động ở đình làng với quy mô là một tủ sách nhỏ. Sau đó, tủ sách thường rơi vào tình trạng quá tải do nhu cầu đọc sách, mượn sách của người dân quá lớn. Tới khi Nhà văn hóa thôn Bình Vọng khánh thành, từ tháng 6-2008, Thư viện thôn được chuyển về đây trong không gian lớn hơn, đầy đủ tiện nghi với 14 tủ đựng sách, việc quá tải khi mượn sách về đọc của người dân mới phần nào được giải quyết. Đáng chú ý, với phương cách quản lý hiệu quả, thường xuyên cập nhật các đầu sách mới nên trung bình hằng năm, thư viện đón gần 3.000 lượt người trong thôn, xã và người dân nơi khác đến đọc và mượn sách.
Tương tự, tại xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa), cạnh đình làng Thành Vật cũng có một thư viện nhỏ mang tên “Ngôi nhà trí tuệ”, mỗi năm đón hàng nghìn em nhỏ trong vùng đến tìm đọc và mượn sách. Được biết, “Ngôi nhà trí tuệ” do chị Phạm Thị Diệu, Nguyễn Thị Nguyệt - những người con của xã Đồng Tiến sáng lập và điều hành từ xa, với mong muốn phát triển phong trào khuyến học, văn hóa đọc ở quê hương. Đáng nói, dù chính thức mở cửa từ năm 2019 nhưng đến tận thời điểm này, “Ngôi nhà trí tuệ” vẫn là điểm hẹn hấp dẫn của người dân địa phương, đặc biệt là các em nhỏ sau giờ tan học và những ngày cuối tuần.
Sáng tạo để “gieo mầm” tình yêu với sách
Hà Nội sở hữu hệ thống thư viện, nhà sách, nhà xuất bản, các không gian đọc sách, các hoạt động liên quan đến sách... hết sức phong phú. Tuy nhiên, để thu hút và phát triển văn hóa đọc là rất khó khi công nghệ phát triển, con người có nhiều nguồn giải trí hơn là việc tìm kiếm tri thức qua sách. Chính vì thế, để duy trì văn hóa đọc đòi hỏi các hoạt động liên quan đến sách phải được đổi mới thường xuyên, liên tục. Thị xã Sơn Tây là ví dụ. Để thu hút, người dân tìm tới sách, thư viện thị xã thường xuyên phối hợp với thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn nhằm tổ chức chương trình ngoại khóa vào các ngày lễ, kỷ niệm như mời diễn giả về trường học nói chuyện chuyên đề sách và văn hóa đọc; luân chuyển sách từ thư viện về các trường học...
Mới đây, từ ngày 1-11 đến 3-11 tại Quảng trường sân vận động thị xã Sơn Tây, UBND thị xã, Ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây đã phối hợp với một số công ty sách và các nhà xuất bản tổ chức Hội sách và văn hóa đọc Sơn Tây lần thứ I. Hội sách đã giúp các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu nhi được tiếp cận với hơn 3.000 bản sách, 2.111 tên sách đủ các thể loại như kinh tế - kinh doanh, phát triển tư duy, văn hóa đời sống, khoa học, văn học, lịch sử, địa lý, khoa học, kỹ năng...
Không chỉ vậy, Hội sách còn có nhiều hoạt động khác như trưng bày, giới thiệu, triển lãm sách; tọa đàm, giao lưu với diễn giả, chuyên gia về sách và văn hóa đọc; tổ chức các sân chơi cho thanh, thiếu nhi. Với quy mô lớn và phương cách triển khai sáng tạo, đa dạng các hoạt động của Hội sách, đa số người dân bày tỏ sự phấn khởi khi được tiếp cận với nguồn sách hay, chất lượng.
Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây chia sẻ, sách là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Khi đọc sách, người đọc có cơ hội tiếp cận với nhiều quan điểm, tư tưởng và văn hóa khác nhau, từ đó làm giàu thêm cho tâm hồn và trí tuệ, hướng tới các giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ cao đẹp... Bởi thế, Hội sách là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, góp phần tôn vinh và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc.
Giống như cách làm sáng tạo của Sơn Tây, ở các vùng ngoại thành đều có điểm chung là thư viện phục vụ nhân dân miễn phí; các đầu sách trong thư viện luôn phong phú, được luân chuyển, bổ sung mới thường xuyên. Có những thư viện còn trở thành điểm hẹn hấp dẫn nhờ các hoạt động ngoại khóa.
Chẳng hạn, ở Thư viện “Ngôi nhà trí tuệ” của xã Đồng Tiến, ngoài việc cho đọc sách, mượn sách miễn phí thì nơi đây còn có Câu lạc bộ tiếng Anh. Tại câu lạc bộ này, hàng chục em nhỏ trong xã Đồng Tiến được học tiếng Anh trực tuyến với giáo viên là người bản địa, giúp các em có cơ hội trau dồi khả năng nghe nói, diễn đạt, hùng biện. “Ngôi nhà trí tuệ” còn tổ chức nhiều sự kiện tặng quà cho trẻ em học giỏi vào các dịp 1-6, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Nhìn những em nhỏ say mê bên sách tại Thư viện thôn Bình Vọng, tôi nhận ra, mỗi cá nhân đọc sách sẽ góp phần tạo nên một cộng đồng đọc sách, từ đó gây dựng một cộng đồng văn minh. Tinh thần khai sáng của sách, những hoạt động thầm lặng “thắp lửa” văn hóa đọc ở những thư viện làng như Bình Vọng, “Ngôi nhà trí tuệ”... là những minh chứng cụ thể cho thấy, ở những nơi này, văn hóa đọc vẫn bền bỉ được “gieo mầm” và nảy nở trong các thế hệ kế cận.