Luận đàm thời sự

Lại bước qua một lằn ranh đỏ

Đại sứ Trần Đức Mậu 19/11/2024 - 06:40

Với quyết định cho phép Ukraine sử dụng loại tên lửa tầm xa ATACMS (Army Tactical Missile System) không kích vào các mục tiêu nằm ở sâu bên trong lãnh thổ Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lại bước qua thêm một lằn ranh đỏ.

Đã từ khá lâu nay rồi, Ukraine và một số đồng minh của Mỹ trong NATO liên tục hối thúc ông Biden bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ vào cả mục đích không kích sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Mưu tính của Ukraine cùng các đồng minh của Mỹ không đơn thuần chỉ là đem chiến tranh vào sâu bên trong và làm tổn hại ở phía lãnh thổ Nga, mà còn nhằm gây hoang mang và lo sợ, phân rẽ người dân Nga với chính quyền, làm suy giảm tiềm lực quân sự, quốc phòng và tài chính mà nước này có thể sử dụng phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Nói cách khác, Ukraine và các đồng minh của Mỹ kỳ vọng, tấn công Nga như vậy sẽ giúp họ xoay chuyển tình thế hiện đang ngày càng thêm bất lợi cho Ukraine trên chiến trường ở Ukraine và tại vùng Kursk của Nga.

Ông Biden chần chừ và ngần ngại vì phải phòng ngừa phản ứng và ứng phó của Nga. Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ là một chuyện, không kích vào sâu bên trong lãnh thổ Nga lại là chuyện hoàn toàn khác về chính trị thế giới, pháp lý quốc tế, về quân sự và quốc phòng cũng như quan hệ giữa các quốc gia.

Điều khiến ông Biden phải chần chừ và ngần ngại là phản ứng của Nga và hệ lụy của sự cho phép này. Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga không tránh khỏi trở nên trắc trở và đối địch thêm. Cuộc chiến tranh ở Ukraine sẽ bị đẩy vào vòng xoáy mới về căng thẳng và đối địch. Ngoài ra, phía Mỹ còn phải tính đến khả năng Nga sẽ trang bị tên lửa tầm trung và tầm xa cho những kẻ thù và địch thủ của Mỹ để tiến hành những cuộc tấn công vào các lợi ích của Mỹ trên thế giới. Hệ lụy của quyết sách này còn là mở đường cho các bên khác cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine cũng dần theo nhau cho phép nước này sử dụng những vũ khí hiện đại ấy không kích vào sâu bên trong lãnh thổ của Nga.

Ông Biden lại bước qua một lằn ranh đỏ mới trong cuộc chiến tranh ở Ukraine vào thời điểm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây hai tuần ở nước Mỹ. Trong vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần dọa sẽ giảm hoặc cắt viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ cho Ukraine để phục vụ cuộc chiến của Ukraine với Nga. Ông Trump còn tuyên bố có thể chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ukraine trong thời gian chỉ một ngày. Cho nên, có thể thấy có 3 lý do khiến ông Biden bất ngờ bước qua lằn ranh đỏ mới kia.

Thứ nhất là Nga hiện dường như đang thắng thế trên cả chiến trường ở Ukraine lẫn ở vùng Kursk của Nga. Ông Biden bật đèn xanh như thế vừa để cho Ukraine không thể đổ trách nhiệm cho Mỹ nếu không chống đỡ hiệu quả các cuộc tấn công hay phản kích của Nga, vừa kỳ vọng giúp Ukraine xoay chuyển tình thế trên chiến trường và cục diện cuộc chiến.

Thứ hai là nhằm gây dựng và hoàn thiện hình ảnh về người đứng đầu nước Mỹ hết lòng, hết sức ủng hộ Ukraine, coi đấy như một trong những dấu ấn cầm quyền đậm đà nhất của nhiệm kỳ tổng thống sắp kết thúc.

Thứ ba là có được cái danh trên trong khi lại có thể làm khó cho ông Trump bởi rồi đây, tổng thống đắc cử Mỹ là người phải dọn dẹp di sản mà người tiền nhiệm để lại, phải trực tiếp khắc phục hậu quả và hệ lụy đối với nước Mỹ.