Chống lãng phí

Chống lãng phí - một quyết tâm mạnh mẽ

Nguyễn Sĩ Ðại 19/11/2024 - 05:58

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm viết: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta.

Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”.

Đó là yêu cầu lịch sử của giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn dân tộc phải tranh thủ hòa bình, hoàn thành một bước quá độ quan trọng trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta thành nước phát triển cao, sánh vai với các cường quốc năm châu, như nguyện vọng thiêng liêng của Bác Hồ lúc sinh thời.

bv-bach-mai-7338.jpg
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sớm đưa Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 vào hoạt động để tránh lãng phí nguồn lực cơ sở vật chất. Ảnh: Tiền Phong

Nhận dạng lãng phí - kẻ thù nội xâm

Trong bài nói tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm ngày 17-3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...” (“Hồ Chí Minh: Toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia, 2011). Và Người gọi đó là kẻ thù nội xâm.

Lãng phí là gì? Theo khoản 2, Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”.

Đây là chữ của luật để làm căn cứ đưa ra những chế tài. Song lãng phí, các dạng thức lãng phí còn rộng hơn nhiều mà hằng ngày chúng ta đều có thể thấy, thậm chí đều có thể mắc: Nhỏ thì lãng phí một tờ giấy, một vật dụng hay lãng phí thực phẩm...; lớn thì lãng phí tài nguyên, lãng phí tài năng, sức lao động của con người. Có những sự lãng phí dễ thấy như bỏ hoang ruộng vườn, đất đai với những dự án treo; những biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư, những khu công nghiệp nằm “đắp chiếu”, những công trình xây dựng kém chất lượng, mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng...

Có những dạng lãng phí khó thấy hơn như lãng phí thời gian, mà lãng phí thời gian thì không chỉ lãng phí tiền bạc, mà còn lãng phí cả chính cuộc sống của mình. Người xưa đã nhắc nhở: “Thời gian là vàng bạc”, “Đời người sống nửa gang tay/ ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang”. Sự bày vẽ ra những chương trình, mục tiêu rầm rộ mà không đạt được; sự nhiêu khê trong thủ tục hành chính cũng là lãng phí sức lực, thời gian, tiền bạc của nhân dân, của cán bộ, công chức.

Con người là vốn quý, quyết định tất cả, nhưng chúng ta cũng đang lãng phí hiền tài, lãng phí sức lao động, để chảy máu chất xám, chảy máu nhân công. Việc nhiều người Việt Nam thành đạt ở nước ngoài, lao động Việt Nam có mặt trên khắp thế giới, về mặt nào đó là đáng tự hào, nhưng ở một khía cạnh khác, lớn hơn, phải thấy đó là một nỗi đau, một sự lãng phí. Nếu tất cả tài năng, sức lực của toàn dân được sử dụng tốt ở trong nước, chắc chắn, tốc độ phát triển đất nước còn cao hơn.

Ai chống lãng phí và chống như thế nào?

Câu trả lời rất đơn giản: Đó là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải là người khởi xướng, tổ chức. Kinh nghiệm đổi mới, kinh nghiệm chống tham nhũng đã có những bài học quý giá. Quý giá nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, công khai cho nhân dân biết. Nói đi đôi với làm và không có vùng cấm. Nhân dân hy vọng Đại hội XIV của Đảng khi tổng kết đổi mới, không chỉ thấy thành tựu mà còn thấy rõ hơn những khuyết điểm, sai lầm để kịp thời điều chỉnh.

Với cuộc chiến chống lãng phí, lúc này, hơn lúc nào hết, cần phải thấy hết tính cần thiết, cấp bách của nó; khi mà các nguồn tài nguyên như rừng núi, đất đai, sông biển, khoáng sản đã bị khai thác quá mức, có tài nguyên gần như cạn kiệt. Để bảo đảm phát triển, bảo đảm đời sống, chi tiêu công, theo báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội, năm 2025 phải vay 800 nghìn tỷ đồng, mức vay cao nhất từ trước tới nay; trong khi tăng trưởng kinh tế đứng trước không ít thách thức, biến động từ quốc tế và trong nước.

Đây là lúc phải nhớ tới lời dạy của người xưa, lấy cần kiệm làm đầu, “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”; tôn trọng, nâng niu thành quả lao động: “Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”. Và, như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ”.

Để thay đổi hành vi, con người bao giờ cũng bắt đầu từ nhận thức. Nhận thức ấy có được không chỉ bằng tuyên truyền của Đảng, của báo chí, mà căn cơ bằng nền tảng giáo dục, bằng văn hóa. Phải xây dựng một nền văn hóa cần kiệm, biết trân trọng của cải, sức lao động của mình, của người khác. Phải thành chất người, chất thế hệ, chất văn hóa của dân tộc. Đồng thời tạo ra những phong trào để cuốn hút, những quy định, thể chế của pháp luật để ràng buộc, cưỡng chế. Nghĩa là phối hợp giữa ngắn và dài, giữa pháp trị và văn trị.

Đặc biệt, chúng ta càng phải luôn ghi nhớ và làm theo lời Bác Hồ dạy về “tứ đức của người cách mạng”, đó là “cần, kiệm, liêm, chính”, trong đó, “kiệm” như Người giải nghĩa là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi, và Người căn dặn: “Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”.

Sức hấp dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh, của văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh tỏa sáng trong mọi lĩnh vực, mọi tình huống. Để kết thúc bài viết này, xin kể chuyện “Dân chủ hay cán chủ”.

Mùng 1 Tết Đinh Mùi, tức ngày 9-2-1967, tuy lúc này sức khỏe Bác đã yếu nhưng lịch làm việc của Người còn dày đặc. Bác còn muốn truyền năng lượng của mình cho đồng bào, chiến sĩ và bạn bè quốc tế; sống giây phút nào cũng có ích cho cách mạng. Cuốn “Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử” (NXB Chính trị quốc gia, 2008) chép: “6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc tết các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên nhân dịp đầu năm mới. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm và chúc tết một số đơn vị phòng không và không quân bảo vệ Thủ đô, thăm Trung đoàn không quân tiêm kích 921 (Đoàn Sao Đỏ). Ngày ấy trời mưa rét, thấy một chiến sĩ mặc áo mỏng, Bác hỏi “Chú mặc thế có lạnh không?”. Bác tặng quà tết và chúc Không quân nhân dân: “Đoàn kết, học tập tiến bộ, đánh giỏi, đạt nhiều thắng lợi mới”.

Tiếp đó, Người đến thăm và chúc Tết cán bộ, nhân dân xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. Sau khi biểu dương những cố gắng của nhân dân Hà Bắc trong sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Bác nói: “Hà Bắc có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có nhiều khuyết điểm. Có những khuyết điểm đó là do đâu?... Bác nghe nói thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, mất dân chủ ở đây vẫn còn nhiều. Việc này Bác hỏi đồng bào có thể trả lời, bởi vì hỏi các cô, các chú cán bộ thì khó trả lời. Quan liêu là nói cán bộ, chứ còn đồng bào xã viên mệnh lệnh gì ai. Còn tham ô thì cũng thường do mấy chú có chức có quyền lợi dụng mà tham ô, tình hình mất dân chủ cũng thế... Cán bộ phải tôn trọng dân chủ, nhưng đồng bào phải đòi quyền dân chủ nhân dân của mình. Mình làm cách mạng để thực hiện dân chủ, không phải làm cách mạng để thành “cán chủ”. Phải loại trừ cho nhanh chừng nào tốt chừng ấy các tệ nạn quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí’’.